“Chiến tranh và hoà bình” là một trong những cuốn sách tuyệt diệu nhất của thời đại ta
(I. Tuôcghêniep)
Trước hết, chúng ta hãy cùng xét tới nhan đề. Tên gốc tiếng Nga là
Война и мир, khi dịch sang tiếng Việt đã xuất hiện rất nhiều tên gọi khác nhau như “chiến tranh và hoà bình”, “chiến tranh và thế giới”, “chiến tranh và thanh kiếm”… Nhưng các dịch giả, nhà nghiên cứu và độc giả cùng gặp gỡ tại điểm đều chấp nhận cách dịch thứ nhất. Ở đây, tôi cũng đồng tình với cách dịch này, mặt khác chỉ xin mở rộng thêm cách hiểu khái niệm “chiến tranh”, “hoà bình” và mặt khác cố gắng đưa ra những lý giải phù hợp để gắn nó vào nội dung tác phẩm mà không làm mất đi những mạch nguồn chính.
Theo
Đại từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý chủ biên), Nhà xuất bản Văn hoá thông tin năm 2002,
chiến tranh là hiện tượng chính trị - xã hội có tính lịch sử, biểu hiện bằng xung đột bạo lực giữa các lực lượng đối kháng trong một hoặc giữa các nước. Còn,
hoà bình là trạng thái yên bình, không có chíên tranh.
Sở dĩ dịch là “chiến tranh” và hiểu đúng với phạm trù khái niệm của nó, bởi tác phẩm của Tônxtôi đã miêu tả hai cuộc chiến tranh “có thực” trong lịch sử. Cuộc chiến giữa liên minh Nga - Áo chống Pháp trên đất Áo (1805-1807) và cuộc kháng chiến hào hùng của nhân dân Nga chống lại sáu mươi vạn quân Napôlêông tràn sang xâm lược năm 1812. Tônxtôi đã miêu tả hai cuộc chiến tranh này như hai hiện tượng tương phản gay gắt, giúp cho người đọc so sánh tính chất phi nghĩa và chính nghĩa của chiến tranh. Còn, dịch là “hoà bình” và cũng hiểu đúng với phạm trù khái niệm của nó, vì chiến tranh qua đi, dù là chết chóc, mất mát, đau thương nhưng thực sự “chiến tranh” đã nhường chỗ cho “hoà bình”. Đó không chỉ là quy luật tự nhiên, tất yếu có trong cuộc sống ngoài tác phẩm mà còn xuất hiện trong “Chiến tranh và hoà bình” của Tônxtôi. Cho nên khép lại tiểu thuyết là “cái chết” nhưng thực ra lại mở ra cuộc sống mới.
Nói “chiến tranh và hoà bình” vừa là nhan đề vừa là hai mạch nội dung của tác phẩm thì nói “chiến tranh và hoà bình” là sự xung đột, đấu tranh giữa những xáo trộn với bình an trong tâm hồn; giữa lý tưởng với hiện thực và giữa hạnh phúc với bất hạnh của số phận con người… cũng chẳng sai. Tất cả những cặp đối lập, mâu thuẫn ấy làm nên cái gọi là “chiến tranh” - cụ thể: “chiến tranh trong tâm hồn” và khi giải quyết xong thì “có được” cái gọi là “hoà bình trong tâm hồn”. Như vậy, mở rộng ngoại diên của khái niệm “chiến tranh” và “hoà bình” để khai thác tác phẩm cũng có thể coi như một trong vô vàn cách tiếp cận cuốn tiểu thuyết này của Tônxtôi.
Vì khuôn khổ bài viết có hạn chế cho nên tôi chỉ trình bày những thu hoạch bước đầu về chiến tranh và hoà bình trong tâm hồn nhân vật Anđrây Bôncônxki.
Mở đầu tác phẩm, Tônxtôi để Anđrây xuất hiện ở chính xã hội mà anh đang sống - xã hội thương lưu. Một chàng trai 26 tuổi, sinh ra trong một gia đình dòng dõi quý tộc giàu có, học vấn cao, đẹp trai và có vợ đẹp, duyên dáng nhất thành Pêtecbua. Chúng ta có thể so sánh Anđrây như con chim sinh ra để hót, con cá sinh ra để bơi và dường như con người ấy sinh ra để hưởng hạnh phúc trên cuộc đời. Nhưng không hẳn thế! “Chiến tranh” đã được Tônxtôi “gán ngay” cho nhân vật của ông. Anđrây được đặt trong mối mâu thuẫn, xung đột nội tâm sâu sắc với thế giới “phòng khách”, nơi chứa đựng những câu chuyện kháo, những “thói hư vinh” của “cuộc sống rỗng tuếch” mà chàng không thể thoát ra.
“Chàng đã quen hết tất cả các nhân vật trong phóng khách mà họ làm cho chàng chán ngấy đến nỗi nhìn mặt họ hay nghe họ nói chàng đều bực mình” (T88/I, hay qua lời tâm chân thật của Anđrây với Pie:
“Tôi quý cậu, vì nhất là trong thế giới thượng lưu của ta, cậu là con người duy nhất còn sống” (T118/I), ta thấy một tâm trạng uể oải, chán trường, muốn “đoạn tuyệt” cái môi trường trống rỗng, tẻ nhạt để đi tìm lý tưởng sống chân chính cho mình. Như thế, “chiến tranh” chính là cuộc chạm trán giữa cuộc sống thực tại với mong muốn, với lý tưởng sống của Anđrây.
Cũng vì lí do này mà khiến chàng hối hận vì đã lấy Lisa và nghi ngờ hạnh phúc đời người dù vợ chàng không phải là người xấu. Anđrây không phủ nhận vợ mình là người tốt và rất yêu chồng. Nhưng cô ấy nông cạn! Chàng muốn đi tới tận cùng của sự nhận thức, khao khát khám phá cuộc sống rộng lớn bao nhiêu thì Lisa chỉ muốn bó hẹp trong không gian bé nhỏ, hào nhoáng của giới thương lưu bấy nhiêu
“Chàng đã quen (…) chàng đều bực mình (…) hình như người vợ xinh xắn của chàng lại làm cho chàng chán ngấy hơn cả” (T88/I). Anđrây ở phần đầu tác phẩm, có một cuộc sống riêng tư không được thoả mãn, không có niềm vui và hạnh phúc thực sự, chàng muốn từ bỏ tất cả và quyết định “quăng mình” vào cuộc chiến năm 1805. “Cú quăng mình” ấy, tôi tạm coi như một kết quả “hoà bình” ít ỏi, mà Anđrây tạm thời có được trong cuộc “chiến tranh tâm hồn” đầu tiên.
Nhập ngũ, tham gia cuộc chiến năm 1805 trong liên minh Nga - Áo chống quân xâm lược Napôlêông trên đất Áo. Anđrây hăng say chiến đấu để thực hiện “giấc mộng Tulông”, mộng trở thành “Napôlêông thứ nhì” của Châu Âu để có điều kiện cải tạo xã hội Nga. Vì vậy, động cơ của Anđrây chính là muốn có được vinh quang, có được sự nổi tiếng từ sau chiến trận
“khi thấy quân đội Nga đang ở tình trạng tuyệt vọng, chàng liền nảy ra ý nghĩ mình chính là con người sinh ra để cứu quân đội Nga ra khỏi tình trạng ấy (…), trước mắt chàng, chính là cái thành Tulông sẽ đưa chàng ra khỏi hàng ngũ những võ quan vô danh và mở cho chàng đi tới vinh quang” (T360/I). Nhưng, cuộc sống nhiều khi không như mong muốn của con người, liên minh Nga - Áo thất bại, “giấc mộng Tulông” tan tành và hơn cả từ chiến dịch Auxterlitx, Anđrây đã hiểu rõ những mặt xấu xa của hàng sĩ quan quý tộc. Và như thế, “chiến tranh tâm hồn” giữa lý tưởng với hiện thực ở Anđrây được khẳng định rõ ràng hơn.
Sau “chiến tranh” tưởng chừng là “hoà bình” nhưng “quà tặng” lại là vết thương thân xác, nỗi thất vọng, chán trường để Anđrây đem theo về điền trang. Đúng lúc ấy, Lisa vợ chàng sinh con trai và chết ngay sau khi sinh. Chàng hối hận (vì đã ra trận và bị ám ảnh bởi gương mặt vợ như lúc nào cũng hiện ra trách móc mình) càng thêm suy sụp, khủng hoảng tinh thần càng trầm trọng hơn. Anđrây tự trách mình đã quá nhỏ nhen và ích kỉ
“cảm thấy có một cái gì bị xé rách trong lòng mình, chàng cảm thấy mình có lỗi, một lỗi mà chàng không thể nào chuộc được cũng không thể nào quên được” (T660/I). Mức độ “chiến tranh tâm hồn” của Anđrây đi từ sự đổ vỡ sang sự mất mát và đẩy tâm hồn ấy vào hố sâu cực đoan. Chàng “đoạn tuyệt” với thế giới xung quanh, chỉ sống vì gia đình mình. Mới ở tuổi 31 mà Anđrây đã mất niềm tin vào cuộc đời, không còn hi vọng gì ở tương lai. Có lẽ, tâm lý tuyệt vọng đã làm ngưng lại chuyển động của không gian và thời gian để giúp cho Anđrây có chút ít “hoà bình”, tuy tiêu cực và trong “chốc lát” nhưng lại là lối thoát tạm thời và duy nhất cho “chiến tranh tầm hồn” Anđrây lúc bấy giờ.
Chán nản và tuyệt vọng là thế giới của chàng. Như cây sồi già lầm lì, cau có, Anđrây không chịu đón nhận “mùa xuân - tình yêu - hạnh phúc”. Chàng tự thu nhỏ mình, nằm gọn trong cái vỏ bi quan
“để cho người khác còn trẻ, họ lao vào sự dối trá ấy, còn chúng mình thì đã biết đời rồi - cuộc đời của mình hết rồi” (T9/II). Và, chàng còn ngờ vực cả quy luật của tự nhiên
“làm gì có mùa xuân, có ánh nắng, có hạnh phúc” (T8/II). “Hoà bình” thực sự “lặp lại” trong tâm hồn Anđrây khi chàng gặp Natasa, chàng như được hồi sinh, đi tới quyết định đính hôn với nàng. Một tình yêu đượm đầy chất thơ mà giản dị, trong sáng như ánh trăng huyền diệu đưa Anđrây vào cõi bồng lai với tâm trạng say đắm vì yêu, vì hạnh phúc
“tâm hồn chàng vui tươi và mới mẻ quá, dường như chàng từ một căn buồng ngột ngạt bước ra một khoảng rộng tràn ngập không khí và ánh sáng” (T94/II). Phải chăng Anđrây đã tìm ra một nửa yêu thương, một nửa tâm hồn của mình ở Natasa - một tâm hồn Nga.
Cả đêm trăng huyền diệu với ước mơ bay bổng của Natasa trong cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai người đã đánh thức ước vọng sống nơi tâm hồn Anđrây:
“phải làm sao cho mọi người hiểu rõ ta, sao cho họ đừng sống cách biệt với cuộc sống của ta như vậy, sao cho cuộc đời của ta phản chiếu lên tất cả mọi người và mọi người cùng chung sống với ta” (T14/II). Từ miền cô đơn, cằn cỗi như cây sồi già giữa mùa đông, chàng đã tìm đến bến bờ hạnh phúc. Và như thế cuộc giao tranh giữa hạnh phúc và bất hạnh trong tâm hồn, trong số phận của Anđrây đến đây phần thắng tạm nghiêng về hạnh phúc, “hoà bình” được hồi sinh và tràn trề nhựa sống.
“Hoà bình” được củng cố thêm khi Anđrây gặp Natasa lần thứ hai, lúc này Natasa tròn 17 tuổi và lần đầu tiên được đi dự dạ hội. Chàng đã thực sự bị lôi cuốn nếu không muốn nói bị “lôi kéo” bởi vẻ đẹp tươi mát, hồn nhiên, trong sáng của Natasa. Anđrây đã tìm ra điểm tựa cho tâm hồn, một điểm tựa hết sức bình dị mà trước đây chàng không hề biết và cảm thấy.
Nhưng “hoà bình” đến “nhanh” và quá “ngắn ngủi”. Nó bị phá vỡ bởi cuộc chiến tranh mới. Cuộc chiến được tạo nên từ nhiều nguyên nhân khác nhau, khách quan có và chủ quan cũng có. Đó là sự ngăn trở từ phía gia đình Anđrây (người cha), sự quyến rũ của Anatôn và việc chấp nhận của Natasa, sự “lên ngôi” của lòng danh dự đến kiêu hãnh của Anđrây. Kết quả là “tình yêu đổ vỡ” - “hoà bình tan biến”. Chàng lâm vào khủng hoảng tinh thần lần hai, cũng đồng nghĩa với việc “chiến tranh tâm hồn” lại xuất hiện, đúng lúc đó chiến tranh năm 1812 bùng nổ và Anđrây đã tìm được con đường đi của cuộc đời mình - con đường đến với nhân dân. Chiến tranh đang diễn ra ở thực tại này “đưa tang” cuộc chiến tranh tâm hồn của Anđrây để “kết hôn” với hoà bình - một thế giới mới mà từ trước chàng chưa từng được biết đến. Anđrây tìm được đạo lí, chân lý của cuộc đời. Đó là đạo lí nhân dân.
Đêm trước của chiến dịch Brôđinô tâm trạng Anđrây ngổn ngang những cảm xúc và có ba điều buồn khổ không cùng, không yên: tổ quốc bị xâm lăng, cái chết của cha, sự phản bội của người mình yêu. Tất cả khiến Anđrây vừa xúc động, vừa hân hoan lại vừa đau khổ nhưng chàng đã nén nỗi đau cá nhân để chiến đấu “vì tổ quốc, vì Matxcơva thân yêu”.
Anđrây bị thương và trong khi ấy chàng chợt hiểu ra bản chất của Natasa, chàng bắt đầu tha thứ cho nàng, tha thứ cho Anatôn - kẻ thù cuộc đời mình
“Ta đã hiểu nàng (…) không những hiểu mà ta còn yêu tâm hồn, say sưa, chân thành, cái tâm hồn dường như bị than thể trói buộc (…) một tình yêu say mê, đắm đuối, hạnh phúc đến như vậy” (T646/II). Và, cũng trên con đường đi đến nhận thức chân lý của cuộc đời, “chiến tranh” giữa con người cao cả bao dung đã thắng thế con người cá nhân trong Anđrây. Thực sự cho đến cuối tác phẩm chàng đã vươn tới và đạt được tình cảm nhân hậu của nhân dân.
Gặp gỡ - tha thứ - cái chết của Anđrây như một sự sắp đặt trước của định mệnh. Để ở đó Anđrây nhận ra một điều
“Phải, đó là cái chết. Ta đã chết để rồi ta tỉnh lại. Phải, cái chết là một sự thức tỉnh” (T294/III). Có lẽ, khép lại cuốn tiểu thuyết nhưng âm vang trong tâm thức người đọc sẽ là những câu hỏi: Anđrây là ai? Là người như thế nào?... Chàng là con người luôn trăn trở, tìm kiếm chân lý, lẽ phải. Cả cuộc đời, Anđrây lặn lội đi tìm một thứ, đó là tình thương yêu, để trả lời câu hỏi sống, chết và thế nào là hạnh phúc? Quả thật, Anđrây đã có câu trả lời, ngoài tình thương yêu thượng đế trên đời này vẫn còn tình yêu thương trần thế.
Nhìn bề ngoài, Anđrây dường như đã “chết” vì chàng phải trải qua quá nhiều “chiến tranh” trong cuộc đời mình. Nhưng thực chất, trong sâu thẳm tâm hồn, chàng đã đi đến bậc thang cuối cùng của “hoà bình”. Anđrây đã tìm được sự “bình yên - hạnh phúc” cho tâm hồn đầy giông tố của mình.
Bài viết này khả dĩ được coi là thành công cũng chỉ bó hẹp trong một nhân vật của tiểu thuyết. Tôi hy vọng, rồi đây, sẽ có thêm nhiều bài viết, nhiều công trình nghiên cứu sâu hơn, rộng hơn về đề tài
“Chiến tranh và hoà bình - từ nhan đề đến nội dung tác phẩm”.
Tài liệu tham khảo:·
Tác phẩmL.Tônxtôi - Chiến tranh và hoà bình (Tập 1,2,3) - Nxb Văn học, H, 2001. (Cao Xuân Hạo, Nhữ Thành, Hoàng Thiếu Sơn, Trường Xuân dịch)
·
Nghiên cứu, lí luận, phê bình1. Lê Huy Bắc -
Từ điển Văn học trong nhà trường (Văn học nước ngoài) - Nxb GD, 2008.
2. Nguyển Hải Hà, Hà Thị Hoà, Đỗ Hải Phong -
Giáo trình Văn học Nga - Nxb SP, 2009.
3. Nguyễn Hải Hà -
Con sư tử của văn học Nga - Chiến tranh và hoà bình (Tập 1) - Nxb Văn học, H, 2001.
4. Nguyễn Hải Hà -
Những người ưu tú của thời đại - Chiến tranh và hoà bình (Tập 1) - Nxb Văn học, H, 2001.
5. Nguyễn Hải Hà -
Phép biện chứng tâm hồn - Chiến tranh và hoà bình (Tập 1) - Nxb Văn học, H, 2001.
6. Hà Thị Hoà -
Văn học Nga trong nhà trường - Nxb GD, 2009.
7. Nguyễn Thị Thu Huyền -
Nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật Anđrây Bôncônxki trong “Chiến tranh và hoà bình” của Lép Tônxtôi - Khoá luận tốt nghiệp, 2003.
Nhiều tác giả -
Lịch sử văn học Nga - Nxb GD, 2003.