Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

“Tây tiến” - hào khí một thời kháng chiến anh dũng của dân tộc

Chủ nhật - 30/11/2014 19:39
Một bài thơ lúc mới ra đời, được đón nhận rất nồng nhiệt nhưng sau đó, suốt thời gian dài bị xem là ủy mị, yếu đuối và ít được nhắc đến. Phải tới khi đất nước bước vào thời kì đổi mới, bài thơ mới được trả lại vị trí xứng đáng trong nền thi ca hiện đại và được tuyển chọn đưa vào chương trình Ngữ văn 12. Chính sự “truân chuyên” của nó đã khiến nhiều người cho rằng: “thơ hay như người con gái đẹp, đi đâu, ở đâu cũng lấy được chồng”. Thi phẩm ấy là Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng.
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi !
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời !
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
                         *
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
                         *
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
áo bào thay chiếu, anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
                         *
Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.
Trong kí ức của những người quen biết, hình ảnh lưu giữ về Quang Dũng là nét đẹp trai, dí dỏm, thông minh và dễ gần của một chàng thi sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ... hết sức hồn hậu, dân dã, như chính nhà thơ vẫn thường tự nhận trong mình “có một thằng bé nhà quê”.
Sinh ra ở vùng đất Sơn Tây (Hà Tây cũ, nay là Hà Nội), với tấm lòng yêu nước, yêu văn học nghệ thuật, luôn trân trọng, nâng niu những vẻ đẹp đơn sơ, mộc mạc, dân dã của làng quê, phố phường... Quang Dũng xứng đáng với danh hiệu “nhà thơ của xứ Đoài” mà giới văn học yêu mến dành tặng cho ông.
Quang Dũng nhập ngũ đúng ngày Cách mạng tháng Tám thành công. Khi ấy, nhà thơ mới hai mươi sáu tuổi. Ông hăng hái “xếp bút nghiên” đi theo tiếng gọi của cuộc kháng chiến. Được chiến đấu trong trung đoàn Tây Tiến mà lực lượng chủ yếu là học sinh, sinh viên Hà Nội, trên một địa bàn gian khổ nhất (miền Tây), đó là những thử thách khắc nghiệt nhưng không kém phần sôi nổi, hào hùng. Cuối năm 1948, Quang Dũng chuyển sang đơn vị khác. Rời xa đơn vị một thời gian ngắn, lúc ở Phù Lưu Chanh, về dự Đại hội toàn quân ở Liên khu III, Quang Dũng viết bài thơ Nhớ Tây Tiến. Và dĩ nhiên, cảm hứng chủ đạo xuyên suốt thi phẩm là nỗi nhớ rất cồn cào, da diết không thể nào nguôi.
Sau lần in thứ nhất (1949), năm 1957, Quang Dũng bỏ từ “nhớ” trong nhan đề khi đưa vào tập Rừng biển quê hương  in chung với Trần Lê Văn và tên bài thơ mới còn như hiện nay là Tây Tiến. Phải chăng, tên gọi cũ có phần hẹp nghĩa, chỉ nói được tâm trạng nỗi niềm riêng tư, cá nhân. Còn tên gọi mới đã thâu tóm cả đất trời, con người lẫn nỗi nhớ về một thời kháng chiến anh dũng của dân tộc vào bức tranh hào hùng mà thơ mộng: Tây Tiến.
Nỗi nhớ Tây Tiến - một miền đất hùng vĩ, hoang sơ, dữ dội và những cuộc hành quân gian khổ của đoàn quân Tây Tiến
Câu thơ mở đầu như được thốt lên từ nỗi nhớ có khi chơi vơi, có khi không kìm nén được, hiện về, ngợp cả tâm hồn: “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!”.
Sông Mã - con sông khơi nguồn cho nỗi nhớ như một chứng nhân lịch sử trong đời chiến binh của đoàn quân Tây Tiến. Sông Mã “xa rồi”, núi non, mây nước ngày nào xa rồi thế mà lòng người chiến sĩ lại “gần lắm” trong hành trình trở về bế cũ năm xưa.“Tây Tiến ơi!”, ba từ đơn giản nhưng thật thiết tha làm chao đảo lòng người bởi biết bao sự bâng khuâng, nuối tiếc ẩn chìm trong tiếng gọi, tiếng lòng người chiến sĩ xa Tây Tiến.
Sau tiếng gọi là nỗi nhớ chồng chất, nỗi nhớ được nhân đầy bởi lối điệp từ: “Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”. Và, cũng chỉ ba từ thôi, “nhớ chơi vơi” - nỗi nhớ khó định hình lại được cụ thể hóa trong sự chuyển động của nó. Nỗi nhớ vừa lên cao, vừa bồng bềnh; nỗi nhớ vừa đầy ắp, vừa lưng chừng. Nỗi nhớ cứ lơ lửng, vô bờ giữa thinh không như thế!
Vì yêu, vì nhớ mà những gì đơn sơ nhất cũng đều trở thành kỉ niệm, tạo nên những hình tượng thơ sống động và đầy ám ảnh: “sương lấp, khúc khuỷu, thăm thẳm, ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống, mưa xa khơi”... đặc tả sự trắc trở, khó khăn của địa hình và thời tiết nơi núi rừng biên cương. Trong đó, tiêu biểu nhất phải nói đến thi ảnh “súng ngửi trời”. Quang Dũng không viết “súng chạm trời” mà dùng “súng ngửi trời” - một cách nói nghịch ngợm đầy chất tếu táo riêng có của quân nhà binh, một cách đo chiều cao không gian vời vợi khí thế. Và, quan trọng hơn cả, nó chính là tính cách thật trong con người nhà thơ.
    Một miền Tây bí hiểm, một miền đất dữ dội: “Sông Mã, Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch, Mai Châu”, với “oai linh thác gầm thét, cọp trêu người” nhưng cũng là một miền Tây đằm thắm tình người, một miền thơ ấn tượng, mở ra cảm giác thân thương, ấm cúng: “Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói / Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”. Từ tên sông, tên núi đến tên đất đều âm vang, ầm ào mãi trong hồn thơ thăm thẳm Quang Dũng.      
Nỗi nhớ Tây Tiến - một miền đất với những kỉ niệm lãng mạn nhất
Tiếp nối cảm xúc về những kỉ niệm ấm tình quân dân ở trên, những nỗi nhớ cứ dâng lên trong lòng người chiến sĩ. Không còn núi rừng hoang vu, hiểm trở, dữ dội. Tất cả đã lùi xa. Bức tranh được vẽ bằng những nét mềm mại, uyển chuyển, tinh tế và giàu chất lãng mạn của Quang Dũng.
Cảnh một đêm liên hoan văn nghệ có sự góp mặt của đồng bào địa phương ùa về trong  tâm trí nhà thơ với hàng loạt từ ngữ lạ, giàu chất thơ: “bừng lên, hội đuốc hoa, kìa em, xiêm áo, khèn lên, man điệu, nàng e ấp, xây hồn thơ.... Tất cả trở nên lung linh, huyền ảo, ngất ngây, rạo rực trong ánh sáng, âm nhạc, men say và không khí ngày hội, khiến các chiến sĩ Tây Tiến rất đỗi ngạc nhiên - “kìa em” ngỡ ngàng trước vẻ đẹp mê say, vui sướng trước những cô gái vùng cao xiêm áo lộng lẫy, e ấp tình tứ.
Nỗi nhớ cứ dập dìu “có thấy...”, “có nhớ...” diễn ra một cách da diết. Từ cảnh đêm sang khung cảnh mênh mang của buổi chiều sương phủ trên sông nước: “Người đi Châu Mộc chiều sương ấy / Có thấy hồn lau nẻo bến bờ / Có nhớ dáng người trên độc mộc / Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”. Một chiều sương của những thác ghềnh gầm réo với những triền lau phất phơ trong gió, để từ đó cái thanh thoát của dáng người trên thuyền độc mộc như bông hoa rừng từ từ hiện ra. Quả thực, con người và cảnh vật trong kí ức ấy thật đẹp, thật huyền ảo và nghĩa tình.
Nỗi nhớ Tây Tiến - chân dung người lính Tây Tiến lãng mạn và bi tráng
Hình ảnh về người lính đã có ở những vần thơ trước nhưng đến đây mới được thể hiện tập trung hơn, nổi bật hơn. Những hình ảnh thật ấn tượng: “đoàn binh không mọc tóc, quân xanh màu lá, dữ oai hùm, mắt trừng...”. Sốt rét (rụng tóc), đói khát (xanh xao) làm cho đoàn binh Tây Tiến trông có vẻ tiều tụy. Nhưng không, ở họ vẫn toát lên vẻ oai phong, dữ dằn của những con người có tinh thần sắt thép. Bất ngờ hơn cả là tâm hồn thơ mộng, trái tim khao khát yêu đương, hằng đêm những người lính ấy vẫn “gửi mộng qua biên giới” để mơ về “dáng kiều thơm” giữa thủ đô thân yêu.
Sống trong thiếu thốn, gian lao, khi chết, người lính cũng chết vô danh, cái chết bi tráng: “Rải rác biên cương mồ viễn xứ... Áo bào thay chiếu anh về đất”. Những hình ảnh gợi buồn bã, xót xa về cái chết, sự hi sinh. Nhưng đó là sự dấn thân đầy ý thức trách nhiệm của phận nam nhi với Tổ quốc “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Nhờ vậy, những câu thơ diễn tả cái chết bi thương đã không rơi vào bi lụy mà lại thấm đẫm chất bi tráng. Tiếng gầm của dòng sông Mã với “khúc độc hành” khép lại đoạn thơ như một sự đồng cảm, tôn vinh, tri ân những người chiến sĩ lặng lẽ hi sinh vì Tổ quốc.
Thời Tây Tiến đã qua “không hẹn ước”, thời gian một chiều “thăm thẳm”, “chia phôi”. Chỉ còn lại kỉ niệm và nỗi nhớ, người đã về xuôi mà hồn vẫn còn nơi Tây Tiến với đơn vị Tây Tiến và những tháng ngày Tây Tiến.
Tây Tiến xứng đáng được xem là một đài kỉ niệm bằng thi ca về con người Việt Nam, là hào khí của một thời kháng chiến đầy gian lao mà anh dũng của dân tộc.
 
Tài liệu tham khảo:
1. Lê Thị Ba (2009), Chuyên đề dạy-học Ngữ văn 12 - Tây Tiến (Quang Dũng), Nxb Giáo dục, H.
2. Nguyễn Trọng Khánh (2011), Chốt kiến thức Ngữ văn trong chương trình THPT, Nxb Giáo dục Việt Nam, H.
3. Vũ Dương Quý, Lê Bảo (2008), Văn bản Ngữ Văn 12 (Gợi ý đọc - hiểu và lời bình), Nxb Giáo dục, H.
4. Nhiều tác giả (2013), Ngữ văn 12, tập 1, Nxb Giáo dục Việt Nam, H.

Tác giả bài viết: Đặng Thế Anh

Nguồn tin: Khoa Xã Hội

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Array
(
    [type] => 2
    [message] => file_put_contents(/23-11-2024_b9f1fd1fee94257f42ce0453924e7f1a.log): failed to open stream: Permission denied
    [file] => /var/www/nvlce2016/vendor/vinades/nukeviet/Core/Error.php
    [line] => 593
)