Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Dạy và học tiếng Anh hiệu quả thông qua một số hoạt động trò chơi từ những mẩu giấy nhỏ

Thứ năm - 05/05/2016 04:57
Các hoạt động trò chơi đóng một vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh ở tất cả các cấp học, bậc học. Việc tổ chức các hoạt động trò chơi một cách đa dạng, thường xuyên sẽ giúp cho giờ học trở nên sôi nổi, thoải mái hơn và đặc biệt là người học sẽ năng động, tự tin hơn rất nhiều trong thực hành sử dụng ngôn ngữ. Bài viết nhằm giới thiệu một số hoạt động trò chơi từ những mẩu giấy nhỏ, những hoạt động trò chơi rất đơn giản, dễ thực hiện, không tốn nhiều thời gian chuẩn bị mà lại mang lại hiệu ứng tích cực trong việc giúp học sinh thực hành sử dụng ngôn ngữ một cách tự nhiên và hiệu quả ngay trong giờ học.
Những ưu điểm của các hoạt động trò chơi sử dụng những mẩu giấy nhỏ trong dạy và học Tiếng anh.
Các hoạt động trò chơi với những mẩu giấy nhỏ có ưu điểm lớn nhất là dễ thực hiện và sẵn có. Giáo viên không cần phải chuẩn bị trước ở nhà, mà chỉ cần lên lớp lấy những mảnh giấy ngay trên lớp, những tờ giấy nháp của học sinh để tổ chức các hoạt động. Một dụng cụ đơn giản đi kèm ở một số hoạt động duy nhất là cuộn băng dính nhỏ.
Học sinh sẽ bất ngờ và hứng thú khi tham gia những trò chơi mới mẻ và không hề nghĩ đến khi giáo viên cầm các mảnh giấy trên tay.
Các hoạt động trò chơi này sẽ tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dạy, giúp họ tổ chức các hoạt động hiệu quả trong bất kì môi trường học tập, giảng dạy nào, trong lớp học được trang bị các thiệt bị hiện đại hay  những lớp học còn thiếu thốn về cơ sở vật chất.
Tạo ra các hoạt động đơn giản, phù hợp với trình độ không đồng đều của học sinh, sinh viên. Các hoạt động đa dạng, không gây nhàm chán đối với người học.
Các hoạt động chủ yếu được tổ chức bằng hình thức hoạt động nhóm, giúp học sinh có cơ hội phát triển kỹ năng làm việc nhóm, tự tin, năng động hơn, giúp đỡ nhau tốt hơn, các em có cơ hội thực hành những kiến thức đã học nhiều hơn.  
Hướng dẫn cách thức tổ chức một số hoạt động trò chơi từ những mẩu giấy nhỏ.
1. Ném bóng giấy
Đây là hoạt động sử dụng rất tốt trong quá trình luyện nói, tạo cơ hội cho các em thực hành các đoạn hội thoại, hay ở cấp độ các lớp chuyên ngành tiếng Anh, hoạt động này sẽ là cách bắt cặp, bắt nhóm tốt nhất để chính các em tạo ra những đoạn hội thoại mới liên quan đến nội dung, kiến thức đang học. Ngoài ra, hoạt động này cũng có thể sử dụng rất tốt khi giáo viên muốn học sinh luyện viết với các từ, cụm từ cho sẵn liên quan đến bài học, mà chính tự học sinh, sinh viên sẽ thách thức nhau. Cùng với sự sáng tạo của mỗi người giáo viên, hoạt động này còn có thể sử dụng trong rất nhiều giờ học khác nhau như luyện âm, bài đọc…Với hoạt động này, mỗi một lần tung bóng sẽ là một lần hồi hộp và đầy niềm vui.
Cách thức tổ chức: Giáo viên lấy những mảnh giấy vụn vo thành hình quả bóng nhỏ, sau đó tung quả bóng đến một học sinh, sinh viên bất kì trong lớp, học sinh đầu tiên nhận được quả bóng sẽ tung tiếp quả bóng đến một thành viên khác trong lớp. Nếu giáo viên muốn cho học sinh thực hành theo cặp thì dừng lại ở đây, yêu cầu người đầu tiên nhận được quả bóng từ giáo viên sẽ đặt câu hỏi, theo trong sách, hoặc tự đặt câu hỏi phù hợp với kiến thức đang học, hoặc yêu cầu người thứ hai đặt câu với một từ, cụm từ, theo một cấu trúc nào đó, người thứ hai sẽ trả lời. Khi cặp đầu tiên hỏi và trả lời xong, người thứ nhất sẽ ngồi xuống, người thứ hai tung tiếp quả bóng đến một thành viên khác, lần này người thứ hai sẽ hỏi và người thứ ba nhận được quả bóng sẽ trả lời. Cứ như vậy đến khi nào giáo viên yêu cầu các em dừng lại. Nếu giáo viên muốn thành lập nhóm để thực hành đoạn hội thoại dài, có nhiều người, hoặc lập nhóm cho các hoạt động khác thì yêu cầu học sinh, sinh viên tung bóng đến khi đủ số lượng thì thôi. Khi tung bóng, người tung quả bóng phải quay lưng lại với nhóm học sinh, sinh viên mình muốn tung bóng tới.
2. Chuyển giấy
Hoạt động này đặc biệt hữu dụng với việc ôn tập lại kiến thức về các nội dung liên quan đến nhau như các thì, các âm tiết, các mẫu câu…
Cách thức tổ chức: Giáo viên xin lại các mẩu giấy của học sinh, sinh viên trong lớp. Sau đó dùng tay xé nhỏ ra thành các mảnh giấy có kích thước gần bằng nhau . Mỗi tờ giấy, giáo viên sẽ ghi một con số, tùy theo số lượng học sinh ngồi dãy đầu tiên của lớp học. Với mỗi tờ giấy, giáo viên ghi một hoặc hai nội dung mà muốn học sinh, sinh viên thực hành, ví dụ như các từ ngữ là dấu hiệu các thì, để yêu cầu học sinh, sinh viên đặt câu, hay những âm tiết, để yêu cầu học sinh, sinh viên phát âm, các câu ngắn, để yêu cầu học sinh đọc, hoặc trả lời...sau đó gấp đôi tờ giấy lại.
Luật chơi: Giáo viên sẽ phát cho mỗi một bạn ngồi đầu bàn một mẩu giấy. Khi giáo viên hô bắt đầu, các bạn học sinh, sinh viên sẽ chuyển tiếp mẩu giấy đến người ngay phía sau lưng mình. Học sinh, sinh viên sẽ chuyển đi chuyển lại đến khi nào giáo viên hô hiệu lệnh dừng lại thì các em giữ kỹ mẩu giấy trong tay. Giáo viên lựa chọn một, hoặc hai con số bất kỳ, học sinh nào đang cầm những con số đó sẽ phải thực hiện yêu cầu mà giáo viên đề ra ban đầu: lên bảng đặt câu, trả lời câu hỏi, hay phát âm.
3. Máy bay giấy
Hoạt động này có thể sử dụng khá hiệu quả khi giáo viên muốn lựa chọn cặp, hoặc nhóm như phần hoạt động tung bóng. Ngoài ra chúng ta còn có thể sử dụng hoạt động này hiệu quả trong việc trả lời các câu hỏi, phát âm, đặt câu theo từ, cụm từ hay cấu trúc….
Cách thức tổ chức: Nếu tổ chức hoạt động như hoạt động tung bóng, chiếc máy bay sẽ do giáo viên gấp và phóng đi đầu tiên. Với các hoạt động khác, giáo viên yêu cầu mỗi học sinh gấp một cái máy bay, trong đó ghi số theo số thứ tự của mình trong lớp học, hoặc con số mà học sinh thích trong giới hạn sĩ số của lớp mình. Trong mỗi chiếc máy bay, giáo viên yêu cầu học sinh, sinh viên ghi một hoặc hai câu hỏi, hoặc từ hoặc cụm từ, hay cấu trúc…liên quan đến kiến thức đang học, hay kiến thức giáo viên muốn ôn tập lại.
Luật chơi: Khi nghe hiệu lệnh bắt đầu, các học sinh, sinh viên sẽ phóng những chiếc máy bay của mình đến bất kỳ một bạn khác trong lớp, sau đó mỗi học sinh sẽ phải cầm trên tay mình một chiếc máy bay vừa nhận được, ai không có phải nhặt những chiếc máy bay gần nhất, nếu không sẽ bị xử phạt. Giáo viên chọn một con số, học sinh nào cầm chiếc máy bay có con số đó sẽ phải thực hiện như yêu cầu ban đầu đã đề ra. Giáo viên có thể cho phóng máy bay nhiều lần.
4. Ai có giấy
Hoạt động này là hoạt động mới nhưng lại cực kỳ hiệu quả và dễ thực hiện, đặc biệt đối với lớp đông người.
Cách thức tổ chức: Giáo viên lấy các mẩu giấy nhỏ, số lượng nên nhiều có thể bằng nửa sĩ sỗ của lớp học, trong đó ghi các con số, kèm theo các nội dung kiến thức cần thực hành, và đặc biệt với hoạt động này, sẽ có kèm những tờ giấy có các điểm số, các hành động hài hước nhằm tạo nên hứng thú cho các em học sinh, sinh viên.
Thực hiện: Giáo viên tung các tờ giấy khắp lớp học, học sinh, sinh viên sẽ phải tranh được một tờ giấy, ai không tranh được sẽ bị phạt. Sau đó giáo viên chọn một con số bất kì, học sinh mở tờ giấy ra, người đang cầm con số giáo viên vừa chọn sẽ thực hiện theo yêu cầu trong giấy.
5. Gấp, dán giấy theo từ vựng
Hoạt động này được thực hiện theo nhóm, chủ yếu để giúp người học ghi nhớ từ vựng đã học.
Cách thức tổ chức: Giáo viên chia học sinh thành các nhóm nhỏ, sau đó yêu cầu học sinh, sinh viên sử dụng các mẩu giấy vụn, với băng dính, xé dán thành các nhân vật, đồ vật, loài vật, các động từ…theo khung từ vựng liên quan. Sau thời gian nhất định, các đội mang sản phẩm của mình dính lên bảng, hoặc tường lớp học, đội nào có nhiều hình hơn, chính xác hơn sẽ là đội chiến thắng. Sau đó có thể yêu cầu các đội giới thiệu về sản phẩm của đội mình, đội nào xung phong sẽ được thưởng điểm hoặc phần thưởng khác.
6. Bí mật
Giáo viên chia lớp thành các nhóm nhỏ để số lương các thành viên trong một nhóm ít hơn số lượng của nhóm đúng một người. Ví dụ: Chia lớp thành năm nhóm, thì số thành viên trong mỗi nhóm sẽ là bốn.
Cách tổ chức: Đây là hoạt động khá mới, khi tổ chức thực hiện, giáo viên sẽ phải chú ý chia nhóm theo quy tắc trên. Sau đó yêu cầu mỗi nhóm lấy một mẩu giấy trong đó viết một nội dung kiến thức mà giáo viên yêu cầu, có thể là câu hỏi, từ vựng để đặt câu…Những mẩu giấy này sẽ được giấu kín trong một dụng cụ học tập nào đó trên bàn của nhóm mình.  
Luật chơi: Số lượt chơi, số lượt viết câu, từ sẽ bằng với số lượng nhóm trong lớp học. Trước khi các nhóm viết và giấu xong tờ giấy, giáo viên sẽ chọn nhóm số một cúi mặt xuống bàn học, sau khi các nhóm viết và giấu tờ giấy xong, nhóm này sẽ chia nhau mỗi người tới một nhóm, tìm mẩu giấy và sau đó lên đứng trên bục giảng thực hiện theo đúng yêu cầu ghi trong tờ giấy. Các nhóm lần lượt thực hiện. Nhóm nào thực hiện tốt nhất sẽ là nhóm dành chiến thắng.
7. Thử tài đoán chữ
         Với hoạt động này, giáo viên dùng một mẩu giấy to làm hộp thăm, sau đó dùng những mảnh giấy nhỏ ghi các từ vựng vào trong và gấp đôi lại, giáo viên chia lớp thành các nhóm nhỏ, hoặc theo cá nhân, sau đó thông qua hoạt động ném bóng, máy bay giấy, hoặc gọi tên để chọn một học sinh lên bốc thăm. Học sinh không được nhìn lá thăm mà sẽ quay lưng lại với lớp học. Các nhóm cử đại diện lên gợi ý, tất nhiên không được gợi ý câu có từ trong lá thăm. Các nhóm, hoặc cá nhân lần lượt gợi ý cho tới khi người lên bốc thăm đoán đúng thì chuyển sang người khác. Đội nào hay cá nhân nào gợi ý để người bốc thăm trả lời đúng sẽ được ghi điểm.
8. Người giấy
Với mỗi giờ học, với mọi kỹ năng, hoạt động này đều có thể được áp dụng rất hiệu quả. Giáo viên chia lớp thành hai nhóm lớn hoặc nhiều nhóm tùy số lượng học sinh, sau đó lựa chọn hai bạn đứng lên trên bục giảng, bạn của đội này đứng trước các thành viên của đội kia. Các thành viên trong mỗi đội chuẩn bị những mẩu giấy nhỏ, trong đó ghi những câu hỏi, nội dung kiến thức liên quan, các yêu cầu…các đội chuẩn bị càng nhiều càng tốt. Khi giáo viên hô khẩu lệnh bắt đầu, các thành viên trong một đội phải tìm cách để gắn các mẩu giấy lên người của người chơi đội bạn mà không dùng bất kì dụng cụ hỗ trợ nào. Sau một khoảng thời gian nhất định, đội nào gắn được nhiều hơn sẽ giành chiến thắng. Giáo viên sau khi đã đếm xong, tiếp tục chia lớp thành các nhóm nhỏ, chia đều các mẩu giấy cho các nhóm, và yêu cầu các nhóm thực hiện theo yêu cầu ghi trong các mẩu giấy.
9. Tôi thế nào
Với một mẩu giấy được gắn sau lưng, các thành viên trong lớp sẽ di chuyển xung quanh lớp để các thành viên khác ghi các tính từ miêu tả về cả ngoại hình lẫn tính cách. Sau một thời gian nhất định, giáo viên sẽ chọn một số thành viên theo hoạt động tung bóng, máy bay giấy, hoặc gọi tên để các em đứng lên bục giảng. Người được chọn sẽ quay lưng lại phía lớp học và tự mình miêu tả về bản thân mình trước. Sau đó lấy tờ giấy trên lưng và đọc to cho cả lớp nghe.
Với hoạt động này, chúng ta có thể cho học sinh, sinh viên đóng vai  một đồ vật, một hiện tượng bất kì để học sinh, sinh viên khác viết lên những suy nghĩ của mình về đồ vật, con vật hay hiện tượng nào đó. Bằng cách này, học sinh, sinh viên sẽ học hỏi được rất nhiều điều mới mẻ về mọi mặt cuộc sống.
10.  Đối lập
Cách tổ chức: Mỗi học sinh, sinh viên chuẩn bị hai mẩu giấy trong đó ghi rõ tên của mình, và ghi vào mỗi tờ giấy hai tính từ hoặc có thể là hai từ bất kỳ trái nghĩa nhau, ví dụ: cao - thấp, thật - giả, đúng - sai, trên - dưới, mua - bán… sau đó giáo viên yêu cầu học sinh, sinh viên giữ bí mật, mang lên dính hết lên trên bảng phần chữ được gắn vào bên trong. Giáo viên sẽ chọn lần lượt các bạn trong lớp lên chọn một mẩu giấy và liệt kê 3 đồ vật hay hiện tượng liên qua đến từ vừa chọn được. Ai nêu được đúng từ ngữ sẽ được thưởng điểm hoặc phần thưởng khác.
Luật chơi: Giáo viên chia lớp thành các nhóm nhỏ khoảng bốn thành viên, sau đó lựa chọn lần lượt hai nhóm thi tài với nhau. Giáo viên sử dụng các mẩu giấy nhỏ, viết sẵn tên các nhóm từ đối lập nhau, sau đó trộn lẫn với nhau và yêu cầu hai đội lựa chọn nhóm,  mỗi đội một nhóm, sau đó hai đội nhanh chóng lựa chọn các từ thuộc nhóm từ của mình. Đội nào hoàn thành trước và chính xác sẽ được phần thưởng của giáo viên. Để có nhiều tư liệu cho hoạt động này, giáo viên có thể phân công các nhóm liệt kê các từ ngữ liên quan trước, sau đó kiểm tra và chấm điểm. Giáo viên có thể sử dụng phần này cho hoạt động đối lập nói trên.
Việc tổ chức các trò chơi trong quá trình giảng dạy tiếng Anh để lồng ghép kiến thức đã học và tạo điều kiện để học sinh, sinh viên được thực hành, sử dụng ngôn ngữ một cách hào hứng và thoải mái nhất nhằm tạo ra môi trường học tập vừa cạnh tranh vừa hữu dụng đã và đang là cách thức, là phương pháp được sử dụng một cách hiệu quả ở nhiều quốc gia trên thế giới cũng như nhiều trường học ở Việt nam. Trong đó ngoài các hoạt động được thiết kế và tổ chức thông qua máy tính, thì tổ chức các trò chơi, các hoạt động với những dụng cụ học tập có sẵn trong lớp học như: bút, thước, bảng, cặp sách, giấy, phấn,… vừa nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, cũng vừa mang lại được những giờ học vui vẻ, hiệu quả.

Tác giả bài viết: Trần Anh Quyền

Nguồn tin: Khoa Ngoại Ngữ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn

Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn đào tạo, bồi dưỡng và liên kết đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, các ngành kinh tế - kỹ thuật, khoa học tự nhiên - xã hội và nhân văn, văn hóa - nghệ thuật trình độ cử nhân; là cơ sở nghiên cứu, ứng dụng khoa học giáo dục; cung ứng nguồn nhân lực đáp...

Lý lịch khoa học
Lý lịch khoa học
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Array
(
    [type] => 2
    [message] => file_put_contents(/28-04-2024_8bd019010b9139b24a24485e9b49bb73.log): failed to open stream: Permission denied
    [file] => /var/www/nvlce2016/vendor/vinades/nukeviet/Core/Error.php
    [line] => 593
)