Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

“Nét cổ điển” - cái Tôi trong thơ Nguyễn Bính

Thứ tư - 28/10/2015 05:16
                Nếu Nguyễn Khuyến “nổi danh” ở văn học trung đại với cách nhìn, cảnh cảm về “làng cảnh Việt Nam” thì đến văn học hiện đại (Thơ mới) Nguyễn Bính xứng đáng được xem là “nghệ sĩ của đồng quê”, ông xuất hiện với phong cách riêng, độc đáo, không lặp lại. Cùng một số nhà thơ khác như Anh Thơ, Bàng Bá Lân, Đoàn Văn Cừ… Nguyễn Bính đã tạo nên một dòng thơ đồng quê mượt mà, trữ tình. Cách nhìn về cuộc đời và con người đã làm nên “cái tôi cổ điển” trong thơ của Nguyễn Bính khiến người đọc nhận thấy thơ ông ngập tràn hình ảnh chốn thôn quê, chất chứa những tình cảm chân thành, nồng ấm của người dân quê hồn hậu. Tất cả làm nên nét đẹp mà ta gọi là tình quê, chân quê, hồn quê...
               Bằng trái tim và cảm xúc của mình, Nguyễn Bính đã thổi hồn cho những đứa con tinh thần trở thành một hiện tượng khá tiêu biểu và độc đáo trong phong trào Thơ mới. Đã có rất nhiều nhà nghiên cứu, nhà phê bình và lí luận văn học nghiên cứu về con người và thơ Nguyễn Bính. Ở đó, mỗi nhiều công trình đều đạt được những thành quả và giá trị nhất định. Nguyễn Bính sáng tác chủ yếu về đề tài làng quê nên những công trình nghiên cứu, những bài viết của các nhà nghiên cứu dù ở khía cạnh này hay khía cạnh khác, ít hay nhiều cũng đều đề cập tới cách nhìn cuộc đời và con người trong thơ Nguyễn Bính.
               Hoài Thanh trong “Thi nhân Việt Nam” đã nhận định rằng: “Nguyễn Bính vẫn còn giữ được bản chất nhà quê nhiều lắm. Và thơ Nguyễn Bính đã đánh thức người nhà quê vẫn ẩn náu trong lòng ta. Ta bỗng thấy vườn cau bụi chuối là hoàn cảnh tự nhiên của ta và những tính tình đơn giản của dân quê là những tính tình căn bản của ta”[2, tr.371]. Như thế, chỉ với một câu nhận xét ngắn gọn mà Hoài Thanh đã làm bật lên được cái hồn thơ của Nguyễn Bính, của một “người nhà quê”. Cùng bàn, Vũ Quần Phương cũng viết: “Nguyễn Bính ca ngợi vẻ đẹp chân quê hết mực… Ông miêu tả quê hương thật sắc xảo và tinh tế. Đẹp và trong sáng cả cảnh quê lẫn tình quê...” [1, tr.236].
               Trong thơ Nguyễn Bính, ta bắt gặp rất rất nhiều những hình ảnh vô cùng quen thuộc như hàng cau và giàn trầu, như dậu mùng tơi, ao muống vạt cần, hay những con đò, những bến bãi, những bờ sông với sắc cải nở vàng… Điều quan trọng là ông đã gửi vào thơ trọn cuộc sống, tâm hồn của mình, cho nên phong cảnh làng quê hằng ngày vốn quen thuộc qua những dòng thơ của Nguyễn Bính đã trở lên có hương, có sắc, có linh hồn và trở nên vô cùng thân thiết. Ông không chỉ tả cảnh quê mà còn gợi lên một cách thấm thía cái hồn quê, cái chân quê. Vì vậy, có thể nói, thi nhân đã tìm được mảnh đất nương náu cho tâm hồn mình trong cơn gió bụi cuộc đời.
               Nguyễn Bính sinh ra và lớn lên ở một miền quê đói nghèo thuộc nền văn minh châu thổ Sông Hồng, cho nên Nguyễn Bính đã được sớm đắm mình trong không gian thôn dã, hấp thụ được những giá trị văn hóa dân gian, dân tộc nơi xóm làng. Có lẽ, chính quê hương đã nhuộm thắm tâm hồn thi sĩ, ấn định bản sắc chính của một phong cách thơ chân quê. Thế nên, kí ức sâu sắc nhất của Nguyễn Bính hướng về một ngôi làng nghèo đói vùng chiêm trũng quanh năm trắng nước trắng trời, nơi đã từng gắn bó với tuổi thơ của một đời người. Do đó, như một khát vọng tự nhiên, cảnh quê hương trong thơ Nguyễn Bính thường rất đẹp, tươi sáng và rất thơ mộng: “Sáng giăng chia nửa vườn chè/Một gian nhà cỏ đi về có nhau” (Thời trước). Nhà thơ có những câu thơ thật đẹp, thật hay về một nông thôn yên vui, no ấm, thanh bình:

“Thủa ấy làm sao thật thái bình
Trai hiền với bạn gái đồng trinh
Đời say men rượu thơm hoa rụng
Tràn những thơ ngây ngập cảnh đồng”
                                             (Hoa với rượu)
            Có đúng không, gợi cảm nhất, đẹp nhất, đầy sức sống nhất của cảnh quê trong thơ Nguyễn Bính là hàng loạt bài thơ về mùa xuân? (Thơ xuân, Xuân về, Mưa xuân, Mùa xuân xanh, Vườn xuân…) Mùa xuân tới khiến làng mạc bừng lên bao sắc màu tươi tắn, mọi vật nảy nở, sinh sôi, người người như trẻ lại:
“Đã thấy xuân về với gió đông
Với trên màu má gái chưa chồng
Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong” 
                                            (Xuân về)
           Ở một góc độ khác, trong miền ký ức của Nguyễn Bính đối với làng quê luôn hiện lên hình ảnh mảnh vườn quê. Với nhà thơ, mảnh vườn vừa là “biểu tượng” vừa là “ám ảnh của nông thôn trong thơ”: vườn nhà, vườn dâu, vườn ai, vườn trầu, vườn cam… ở đây, vườn không chỉ là biểu tượng của thôn quê mà là biểu tượng của cả dân tộc Việt Nam. Hãy đọc vào thơ để thấy sự đa dạng về ý nghĩa của “vườn”.
           “Vườn” với nghĩa là nhà như ở những dõng thơ sau: “Em ơi, em ở lại nhà/Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương” (Lỡ bước sang ngang). Hay “vườn” cũng có nghĩa là hình ảnh quê hương yêu dấu đối với những người con xa quê, phiêu bạt nơi đất khách quê người: “Đem thân về chốn vườn dâu cũ/Buồn cũng như khi chị lấy chồng” (Xuân tha hương).
“Vườn” còn là nơi in dấu những kỉ niệm đẹp của tuổi thơ, cái tuổi leo trèo nghịch ngợm:

Một thửa vườn hoang bên cạnh ao
Xương rồng cỏ bãi lẫn rau sam
Vườn này ngày nhỏ anh còn nhớ
Đã nhảy qua tường bẻ trộm cam” 
                                        (Vườn xưa)
           Để góp phần làm cho làng quê Việt Nam đẹp và thơ mộng còn có những cánh bướm với những vườn hoa rực rỡ sắc màu. Nó tô đã điểm cho những “bức họa đồng quê được dệt bằng thơ” thêm xinh tươi và gợi cảm hơn:
“Qua dậu tầm xuân thấy bướm nhiều
Bướm vàng vàng quá, bướm yêu yêu
Em sang bắt bướm vườn anh mãi
Quên cả làng Ngang động trống chèo”  
                              (Hết bướm vàng)
            Ngoài ra, cảnh vật làng quê trong ký ức của Nguyễn Bính đó là những buổi chiều êm đềm làm dịu tâm hồn con người nơi chốn quê: “Thâu đêm tiếng sáo ngân dài/Vi vu tiếng vọng muôn đời quê ta” (Chuyện tiếng sáo diều). Nhắc đến cảnh làng quê trong thơ Nguyễn Bính thì không thể thiếu hình ảnh những bờ ao, miệng giếng. Đó là những hình ảnh gắn liền với đời sống sinh hoạt cũng như đời sống tâm tình của người nhà quê: Đêm cùng đón ánh trăng cao/Ngồi bên giếng ngọc đếm sao trên trời” (Tiền và lá). Giếng trong mắt người nhà quê luôn được coi là một cái gì đó trong sáng và thanh khiết như cái trong sáng của tâm hồn: “Hồn tôi giếng ngọt trong veo/Trăng thu trong vắt biển chiều trong xanh” (Tình tôi).
           Trầu cau, hàng rào với dậu mùng tơi, dậu tầm xuân cũng là những hình ảnh tiêu biểu của chốn thôn quê mà không thể vắng mặt trong thơ Nguyễn Bính. Những cảnh vật tuy nhỏ bé, bình thường, quen thuộc với người dân thôn quê, song khi đi vào trong thơ, nó trở nên vô cùng thi vị và có sức lay động lòng người.
           Trong thơ Nguyễn Bính thôn quê là cái gì đó bất biến trong không gian và thời gian. Cái hồn quê, cái chân quê không chỉ hiện rõ ở cảnh quê mà còn ở những người nhà quê chất phác, giản dị. Chính vì vậy mà thơ Nguyễn Bính làm rung động tới những gì cổ xưa nhất, mến thương nhất của tâm linh người Việt. Thời thơ ấu đã qua nhưng ai có thể quên những trò chơi thơ ngây, hồn nhiên của những cậu bé, cô bé: “Còn nhớ năm xưa đuổi bướm vàng/Mãi vui quên cả nắng chang chang” (Sống lại), “Có hai em bé học trò/Xem con kiến gió đi đò lá tre” (Tiền và lá)…Và, Nguyễn Bính dành khá nhiều bài thơ để viết về những người mẹ, có lẽ vì ở thời nào chẳng thế, hình bóng người mẹ cũng là hình bóng quê hương. Hình ảnh người mẹ quê nghèo hiện lên thật giản dị, thật chân thực. Đấy là những bà mẹ nông thôn Việt Nam nhân hậu đảm đang, nhân hết về mình những khó nhọc, lo toan hết lòng vì chồng con, vì những người thân yêu: “Tết đến mẹ tôi vất vả nhiều/Mẹ tôi lo liệu đủ trăm chiều” (Tết của mẹ tôi). Mẹ sắm sửa cho con đi lấy chồng, cố gượng mà vui, chi khi tiễn con qua cửa buồng mẹ mới khóc sầu thảm và xót thương “Con ạ! Đêm nay mình mẹ khóc/Đêm đêm mình mẹ lại đưa thoi” ( Lòng mẹ). Có người mẹ đưa tiễn con ra trấn ải xa, con đi rồi, còn mình mẹ đứng lặng giữa sân ga, dáng mẹ đổ bóng xuống sân ga trông thật sầu thảm. Chỉ với một chi tiết dáng lưng còng đổ bóng xuống sân ga, Nguyễn Bính đã nói lên được nỗi nhớ da diết, xót thương đau đớn vô cùng của người mẹ khi phải xa con: “Tàu chạy lâu rồi, bà vẫn đứng/Lưng còng đỏ bóng xuống sân ga” (Những bóng người trên sân ga).
          Ngoài ra, hình ảnh những cô gái quê, người đã lấy chồng, người đang thời thiếu nữ, người mới dậy thì,… có lẽ được ngòi bút Nguyễn Bính khắc họa nhiều, thậm chí là nhiều hơn cả trong số những người chân quê. Phải thế chăng, cũng như các bà mẹ, họ là hình ảnh của quê hương, nhưng là quê hương tươi trẻ, đẹp đẽ? Nhớ tới làng quê xưa là nhớ tới những cô thôn nữ chăn tằm dệt vải; những người con gái ấy thật chăm chỉ, cần cù và cũng duyên dáng, tình tứ biết bao bên khung cửi-con thoi đi về giữa những sợi tơ giăng mắc như hình ảnh cụ thể hóa cho những nhớ nhung vấn vít trong lòng cô gái: “Gieo thoi, gieo thoi, lại gieo thoi/Nhớ nhớ, mong mong, mãi mãi rồi” (Nhớ). Chính những hình ảnh đó đã nói lên phần nào số phận của các cô gái. Có những cô gái bị ép lấy chồng chấp nhận lấy người mình không yêu (Lỡ bước sang ngang). Rồi có những cô gái mãi chờ người tình, nhưng đợi mãi đợi mãi cô đành chấp nhận lên xe hoa nhưng lòng vẫn ngóng trong một người (Cô lái đò). Tuy vậy họ luôn khao khát có được một hạnh phúc đơn sơ giản dị, một cuộc sống tốt đẹp hơn (Hôn nhau lần cuối)… Như vậy, Nguyễn Bính đã dành tình cảm chân thật của mình để phát hiện ra những rung động nhỏ bé trong tâm hồn người nhà quê. Những tình cảm chân thật chất phác ấy luôn làm cho mối quan hệ con người thêm ấm áp. Tình yêu chốn thôn quê thật là sâu sắc.
          Nguyễn Bính với hồn quê đậm đà, đằm thắm của mình còn được khắc họa thật sinh động những nét văn hóa làng quê. Đọc thơ Nguyễn Bính ta như được sống lại những ngày Tết cổ truyền, những ngày hội xuân, những ngày hội làng, những đêm hát chèo, buổi lễ chùa, những tín ngưỡng phong tục tập quán, những trò chơi dân gian và nếp sống xưa của người dân quê:
“Tháng Giêng vừa Tết đầu xuân
Xanh um lá mạ, trắng ngần hoa cam
Mưa xuân rắc bụi quanh làng
Bà già sắm sửa hành trang đi chùa
Ông già vào núi đề thơ
Trai tơ đình đám, giá tơ hội hè”  
                              (Tỳ bà truyện)
           Mùa xuân ở các làng quê Bắc Bộ mùa xuân là ngày hội của những đêm hát chèo “Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm” (Mưa xuân) của những trò vui “Ăn cỏi cá, đánh cờ người” (Anh về quê cũ)… Mùa xuân qua đi, lại cuộc sống thường nhật với biết bao vất vả nhọc nhằn, nhưng rồi lòng người lại xốn xang với “Hội làng mở giữa mùa thu” (Đêm cuối cùng)… Có điều Nguyễn Bính không chỉ tài hoa khi dựng cảnh những ngày hội làng quê mà ông còn rất am hiểu và khéo léo khi đặc tả những nét văn hóa làng quê qua cách ăn mặc, qua những dáng bề ngoài của người nhà quê. Đấy là một chú bé mà người ta có thể bắt gặp dâu đó trên đường thôn: “Tuổi thơ tóc để gáo dừa/Tuổi thơ mẹ bắt deo bùa cần cong” (Tiền và lá). Còn đây là những trang phục của các cô gái trong ngày đi lấy chồng: “Này áo đồng lầm, quần lĩnh tía/Này gương, này lược, này hoa tai” (Lòng mẹ)
          Trong thơ Nguyễn Bính còn hiện ra hàng loạt cách ứng xử giữa những người trong cộng đồng làng xã Việt Nam. Đó là những quan hệ hàng xóm, quan hệ lứa đôi, gia đình dòng tộc… Những điều vừa nêu sơ lược này có thể coi như những minh chứng khẳng định thêm rằng: “Nguyễn Bính là một nhà thơ về làng quê và là một nhà văn hóa làng Việt Nam”.
           Bằng tài năng của một thi sĩ với tấm lòng yêu quê chung tình son sắt, Nguyễn Bính đã lưu trữ trong thơ ông những nét đẹp tinh tế và cổ điển của nơi làng quê. Đến với thơ Nguyễn Bính ta như được đắm mình trong một không gian văn hóa làng quê đậm đà bản sắc. Với những cảnh vật làng quê trong sáng, thanh mát. Với những con người quê và những tình cảm chân chất mộc mạc mà ấm áp. Với những lễ hội truyền thống, những nét sinh hoạt dân gian đã tồn tại từ hàng ngàn năm. Tất cả đều được thể hiện một cách hết sức sống động và chân thực. Tôi xin khép lại bài viết bằng lời nhắn nhủ nhẹ nhàng và giản dị của nhà thơ “Hoa chanh nở giữa vườn chanh/ Thầy u cùng với chúng mình chân quê” (Chân quê).
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hà Minh Đức - Đoàn Đức Phương (tuyển chọn và giới thiệu), 2003, Nguyễn Bính về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo Dục, H.
2. Hoài Thanh- Hoài Chân, 2000, Thi nhân Việt Nam (1932- 19419), Nxb Hội nhà văn, H.
3. Đoàn Đức Phương, 2006, Nguyễn Bính - hành trình sáng tạo thi ca, Nxb Giáo Dục, H.
4. Chu Văn Sơn, 2003, Ba đỉnh cao thơ mới, Xuân Diệu - Nguyễn Bính - Hàn Mặc Tử, Nxb Giáo Dục, H.
5. Hoàng Xuân (Tuyển chọn), 1994, Nguyễn Bính - thơ và đời, Nxb Văn học, H.
6 . Nhiều tác giả, 2007, Tác giả trong nhà trường - Nguyễn Bính, Nxb Văn học, H.
7. Nhiều tác giả, 2003, Văn học Việt Nam (1900- 1945), Nxb Giáo Dục, H.

Tác giả bài viết: Đặng Thế Anh

Nguồn tin: Khoa Xã Hội

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Sứ mạng

Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn đào tạo, bồi dưỡng và liên kết đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, các ngành kinh tế - kỹ thuật, khoa học tự nhiên - xã hội và nhân văn, văn hóa - nghệ thuật trình độ cử nhân; là cơ sở nghiên cứu, ứng dụng khoa học giáo dục; cung ứng nguồn nhân lực đáp ứng...

Lý lịch khoa học
Lý lịch khoa học
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Array
(
    [type] => 2
    [message] => file_put_contents(/22-01-2025_4d34778c3bc4a3a9922011f1bdff6631.log): failed to open stream: Permission denied
    [file] => /var/www/nvlce2016/vendor/vinades/nukeviet/Core/Error.php
    [line] => 593
)