Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Những tuyên ngôn bất hủ - những áng “thiên cổ hùng văn” của dân tộc (từ Nam quốc sơn hà; Bình Ngô đại cáo đến Tuyên ngôn Độc lập)

Thứ tư - 19/08/2015 04:58
Tự do là hơi thở sinh mệnh của mỗi quốc gia
(Liberty is the breath of life to nations) - George Bernard Shaw
 

Trong văn chương, chúng ta nhận thức rõ rằng lịch sử dân tộc Việt Nam đã chuyển mình bằng những áng văn bất hủ, những mốc son chói lọi đánh dấu cho cả một thời đại. Ở thế kỉ X, ta có Nam quốc sơn hà (được cho là của Lí Thường Kiệt), năm thế kỉ sau ta có Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, cho đến mùa thu năm 1945 là sự ra đời của Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc trước quốc dân đồng bào vào ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình lịch sử. Đó thực sự là những bản tuyên ngôn - những áng “thiên cổ hùng văn” của dân tộc Việt Nam.

Ra đời trong những thời điểm khác nhau với nhiệm vụ và mục đích khác nhau nhưng “ba bản tuyên ngôn” đều khẳng định chủ quyền, quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam. Qua đó, thể hiện tình yêu quê hương, xứ sở, yêu đồng bào. Mặt khác, tố cáo tội ác của giặc, vạch trần bộ mặt gian xảo của chúng và ngợi ca, tôn vinh con người Việt Nam.

Tương truyền, để khích lệ, cổ vũ tinh thần chiến đấu của tướng sĩ quân ta trong trận đánh 30 vạn quân Tống xâm lăng Đại Việt tại phòng tuyến sông Cầu (năm 1077), Lý Thường Kiệt vừa chỉ huy thế trận vừa làm bài thơ chữ Hán này:
Nam quốc sơn hà, Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
Dịch thơ:
Sông núi nước Nam, vua Nam 
Rành rành định phận ở sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

(Họa tranh cát “Nam Quốc sơn hà” - nguồn: dantri.com.vn)
Lời thơ ngắn gọn, rõ ràng; ý thơ mạnh mẽ, đanh thép khiến quân ta càng phấn chấn và quân nhà Tống càng hoang mang, dao động để rồi phải nhận lấy kết cục thảm hại ở vùng biển Quảng Ninh.
Bài thơ đã khẳng định chủ quyền của dân tộc Việt Nam, khẳng định sự tồn tại khách quan của nước Nam với tư cách một nước độc lập, có chủ quyền, có lãnh thổ riêng biệt, có vua riêng. Đặc biệt, biên giới nước Nam cũng đã được định rõ ở “sách trời”. Tất cả là một chân lí, một niềm tin không gì thay đổi được và sức ngân vang của nó tồn tại qua muôn đời cho đến tận ngày nay. Hơn 10 thế kỷ đã trôi qua, bài hịch năm xưa không chỉ đi vào lịch sử văn chương mà còn đi vào lịch sử dân tộc như bản Tuyên ngôn Độc lập lần thứ nhất của nước ta.
Khoảng đầu năm 1428 (cuối năm Đinh Mùi), quân Minh bất bại trong cuộc xâm chiếm nước ta nên buộc phải rút quân ra khỏi bờ cõi của Đại Việt và chính thời khắc lịch sử này đã “hối thúc” Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo - bản Tuyên ngôn độc lập lần thứ hai để tuyên bố về việc dẹp yên giặc Ngô - một tên gọi hàm ý khinh bỉ căm thù giặc Minh xâm lược.

(Nguồn: art2all.net)

Ngay phần mở đầu, bài cáo đã nêu cao luận đề chính nghĩa của cuộc kháng chiến, đó là tư tưởng nhân nghĩa kết hợp với độc lập dân tộc: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân / Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”  và “Như nước Đại Việt ta từ trước / Vốn xưng nền văn hiến đã lâu”. Tiếp đó, bài cáo đã vạch trần, tố cáo tội ác dã man của giặc Minh: âm mưu cướp nước, chủ trương cai trị phi nhân đạo, hành động tàn sát tàn bạo. Đồng thời, nêu bật nỗi thống khổ, khốn cùng của nhân dân, dân tộc ta dưới ách thống trị của kẻ thù:
Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ
Dối trời, lừa dân, đủ muôn nghìn kế
Gây binh kết oán, trải hai mươi năm
Bại nhân nghĩa, nát cả đất trời
Nặng thuế khóa sạch không đầm núi
Người bị ép xuống biển, còng lưng mò ngọc, ngán thay cá mập, thuồng luồng
Kẻ bị đem vào núi, đãi cát tìm vàng, khốn nỗi rừng sâu nước độc
Vét sản vật, bắt dò chim sả, chốn chốn lưới chăng
Nhiễu nhân dân, bắt bẫy hươu đen, nơi nơi cạm đặt
Tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ
Nheo nhóc thay kẻ góa bụa khốn cùng
Có thể nói mỗi chữ là mỗi giọt máu đọng lại từ ý chí căm thù giặc và thống thiết nỗi thương vô hạn với những người dân lầm than của Ức Trai.
Vượt lên cảm hứng sợ hãi, đau thương, đoạn dài nhất của bài cáo lại là cảm hứng ngợi ca, chiến thắng, tổng kết lại quá trình khởi nghĩa. Từ những ngày đầu lương thiếu, binh ít, nhưng nghĩa quân bền chí, đồng lòng cho đến ngày càng chiến thắng giòn giã, vang dội “Đánh một trận sạch không kình ngạc / Đánh hai trận tan tác chim muông”, giặc Minh liên tiếp thất bại, những tên tướng giặc trở thành những vết nhục cho quân xâm lược: kẻ treo cổ tự vẫn, kẻ quỳ gối dâng tờ tạ tội, kẻ bị bêu đầu…
Những tưởng trải qua biết bao đắng cay, gian khổ, quân ta phải đuổi cùng giết tận nhưng cách hành xử thì hoàn toàn ngược lại. Nó làm nên một thanh âm cuối cùng trong bản hùng ca chiến thắng chỉ thực sự thuộc về dân tộc, đất nước ta - một dân tộc giàu lòng nhân đạo, một đất nước yêu chuộng hòa bình. Quân ta đã tha sống cho lũ giặc đầu hàng, lại cấp cho chúng phương tiện, lương thảo để về nước. Đoạn cuối của bài cáo không chỉ tuyên bố trịnh trọng về việc kết thúc chiến tranh, khẳng định nền độc lập, hòa bình vững bền của đất nước mà còn thể hiện niềm tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc. Chính điều đó đã làm nên một Bình Ngô đại cáo - bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của dân tộc, được các thế hệ người Việt trong gần 6 thế kỷ (587 năm) qua luôn yêu thích và tự hào.
Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, cùng với sự sụp đổ của chủ nghĩa phát xít, một trào lưu đấu tranh đòi độc lập dân tộc diễn ra sôi nổi trên thế giới, mạnh mẽ nhất là hệ thống các nước bị thực dân, phát xít chiếm đóng ở châu Á, châu Phi... Trên toàn lãnh thổ Việt Nam, nhân dân ta vùng lên chiến đấu chống phát xít Nhật, thực dân Pháp và bọn phong kiến tay sai. Đến cuối tháng 8/1945, từ chiến khu, Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hà Nội, soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội, thay mặt chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người đọc bản tuyên ngôn này.

(Nguồn: youtube.com)
          Dưới ánh sáng của nguyên lí phổ quát, không ai chối cãi được, và cảm hứng nhân văn về quyền tự do, bình đẳng, quyền sống và mưu cầu hạnh phúc của con người:“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Tuyên ngôn Độc lập đã phản ánh chân thực tinh thần đấu tranh kiên cường, bền bỉ, khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.
Tiên đề ấy có giá trị như một chân lí vĩnh cửu mà Hồ Chủ tịch nêu lên đã được thừa nhận qua nhiều thời kì lịch sử và ở ngay chính những quốc gia lúc bấy giờ chính quyền của họ đang đi ngược lại. Đó là lời bất hủ trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mĩ và cũng là những tư tưởng cao đẹp của bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791. Trích dẫn hai bản tuyên ngôn của Mĩ, Pháp, HCM vừa xác lập cơ sở pháp lí vững vàng cho Tuyên ngôn Độc lập của chúng ta, phản bác chính sách âm mưu hiện tại của đối phương; vừa tỏ ra trân trọng những danh ngôn, những chuẩn mực, những nguyên tắc bất hủ của người Mĩ, người Pháp và nhắc nhở họ đừng phản bội những chân lí cao cả của tổ tiên họ. Đó là một chiến thuật sắc bén “gậy ông đập lưng ông”. Sau khi đặt vấn đề, nêu chân lí của thời đại, HCM tiếp tục đưa ra những dẫn chứng tiêu biểu nhằm tố cáo tội ác của kẻ thù đã cướp đoạt quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam: “...hơn 80 mươi năm nay [...] bọn thực dân Pháp [...] đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”. Cuối cùng, Tuyên ngôn Độc lập đã khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”. Tuyên ngôn Độc lập thực sự là một áng văn hay, cấu trúc chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, dẫn chứng xác thực và ngôn từ chọn lọc. Giọng văn vừa hùng hồn, đanh thép nhằm tố cáo mạnh mẽ tội ác của thực dân Pháp, vừa thống thiết, trữ tình bộc lộ khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng của tác giả với toàn dân tộc Việt Nam.
 Tuyên ngôn Độc lập đã tuyên bố trước quốc dân đồng bào và nhân dân toàn thế giới về việc xóa bỏ chế độ thực dân, phong kiến gần 100 năm ở Việt Nam; khẳng định quyền độc lập, tự chủ và vị thế bình đẳng của dân tộc Việt Nam trên thế giới. Tuyên ngôn Độc lập không chỉ là tấm giấy khai sinh, là mốc son mở ra kỉ nguyên mới cho nước Việt Nam mà còn là một đóng góp có ý nghĩa đối với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, “suy rộng ra” Tuyên ngôn Độc lập có tư tưởng mang tầm thời đại. Sau 70 năm, Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 được Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố tại Quảng trường Ba Đình lịch sử vẫn như một thứ âm thanh diệu kì vang vọng mãi cho đến ngày nay và mai sau.
Ba bản tuyên ngôn đều là tiếng nói của cả dân tộc Việt Nam từ lịch sử cho đến hiện tại và tương lai về việc khẳng định chủ quyền của đất nước, quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam, tình yêu quê hương, đất nước của con người Việt Nam; là truyền thống hào hùng cho nhân dân ta dựng nước và giữ nước.
Ngày Tết Độc lập, nhìn nhận và suy ngẫm, mỗi chúng ta lại ý thức hơn về trách nhiệm của bản thân đối với đất nước...
 

Tài liệu tham khảo:
1.      Đinh Gia Khánh chủ biên (2000), Văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến nửa đầu thế kỉ XVIII, Nxb Giáo dục, H.
2.      Ngô Sĩ Liên (1993), Đại Việt sử ký toàn thư (Tập 1), Nxb KHXH, H.
3.      Nguyễn Đăng Na (2005), Giáo trình văn học trung đại Việt Nam, Nxb Đại học Sư phạm, H.
4.      Đỗ Thị Cẩm Nhung (2009), Chuyên đề dạy - học Ngữ văn 12 - Tuyên ngôn Độc lập (Hồ Chí Minh), Nxb Giáo dục, H.
5.      Nguyễn Hữu Sơn (2000), Nguyễn Trãi, tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, H.
6.      Bùi Duy Tân (1999), Khảo và luận một số tác gia, tác phẩm văn học trung đại Việt Nam (tập 1), Nxb Giáo dục, H.
7.      Bùi Duy Tân chủ biên (2004), Hợp tuyển văn học trung đại Việt Nam (Tập 1), Nxb Giáo dục, H.
8.      Trần Thanh Tuấn (2011), Nghĩ thêm về bài thơ Nam Quốc sơn hà, Tạp chí Nhà văn, (3), Hội Nhà văn Việt Nam.

Tác giả bài viết: Đặng Thế Anh

Nguồn tin: Khoa Xã Hội

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn

Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn đào tạo, bồi dưỡng và liên kết đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, các ngành kinh tế - kỹ thuật, khoa học tự nhiên - xã hội và nhân văn, văn hóa - nghệ thuật trình độ cử nhân; là cơ sở nghiên cứu, ứng dụng khoa học giáo dục; cung ứng nguồn nhân lực đáp...

Lý lịch khoa học
Lý lịch khoa học
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Array
(
    [type] => 2
    [message] => file_put_contents(/27-04-2024_194e5d25a8fc9f74cbf3171bb5033233.log): failed to open stream: Permission denied
    [file] => /var/www/nvlce2016/vendor/vinades/nukeviet/Core/Error.php
    [line] => 593
)