Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Rễ ở lòng người, hoa nơi từ ngữ

Thứ tư - 11/01/2017 04:55
Người Nùng là một trong những tộc người thiểu số ở nước ta, họ vào Việt Nam cách đây khoảng hơn hai thế kỷ, sinh sống ở vùng thung lũng, sườn đồi thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn,… Người Nùng có một nền văn hóa cổ truyền khá phong phú và đặc sắc. Trong đó có hát Sli - một loại dân ca giao duyên nam nữ giống với hát Quan họ Bắc Ninh của người Việt.
Nếu hoa Hồi là một “đặc sản” hữu thể - thứ đặc sản đã trở thành biểu tượng của miền sơn cước xứ Lạng thì hát Sli lại là một “món ngon” vô thể kết tinh trong nó bản sắc dân tộc Nùng. Bản sắc ấy đã làm nên người Nùng, văn hóa Nùng Lạng Sơn. Vì thế, tục ngữ Nùng mới có câu “Đêm ốm dài, đêm Sli ngắn”
Sli: gồm chữ ngôn = lới nói, t = ngôi chùa, ghép lại: lời nói của nhà Vua xưa viết ra thành thơ. Âm Hán Việt đọc là Thi. Tiếng Nùng đọc thành Sli(1).
Sli có nghĩa là “thơ”. Người Nùng thường dùng từ “Sli” để chỉ toàn bộ dân ca (2) mang tính trữ tình của họ. Sli là loại hình hát giao duyên rất phổ biến của nam nữ thanh niên đồng bào Nùng. Những chàng trai, cô gái được tự do bộc lộ một cách nồng nhiệt, chân thành tình cảm của mình. Những lời hát giao duyên vừa kín đáo - tế nhị, vừa thẳng thắn - nồng nàn được phô diễn hết sức tự nhiên. Sli mang chở nhiều ý nghĩa về cuộc sống, đặc biệt là về tình yêu đôi lứa qua hệ thống ngôn từ phong phú, mộc mạc, giản dị và qua những hình ảnh quen thuộc trong đời sống hàng ngày.
Sli thường là những bài văn vần, mỗi câu có từ năm đến bẩy chữ và không hạn chế số câu trong một bài (có bài chỉ có bốn đến tám câu, nhưng cũng có bài lên tới vài trăm câu). Sli của người Nùng khác Lượn của người Tày ở chỗ hai bên nam nữ hát đối đáp sẽ hát hai bè, hai điệu khác nhau, một bè cao, một bè thấp, âm thanh trộn lẫn hai bè nghe rất hay.
Trên thực tế, Sli rất phong phú và đa dạng, mỗi nhánh Nùng lại có loại Sli riêng: Nùng Cháo có “Sli Sình Làng”, Nùng Phàn Sình có “ Nhì hàu soong hàu”... Nhưng dựa vào đặc điểm diễn xướng của nó, chúng tôi tạm chia Sli ra làm hai loại là Sli lẻ và Sli cuộc.
“Sli lẻ” diễn ra trong thời gian ngắn, thường dùng hát đối đáp ở chợ phiên, trên đường xuống chợ hoặc lúc trở về...
“Sli cuộc” được tổ chức có quy mô giữa hai bên đối tượng tham gia và bao giờ cũng  diễn ra trong thời gian dài, thậm chí có thể hát suốt trong nhiều đêm liên tiếp. Cho nên mới nói Sli theo sát đời sống người Nùng, chỉ trừ bữa ăn còn Sli luôn vang lên từ mọi ngôi nhà, ra đường, xuống chợ, lên nương, ngoài rẫy và lan khắp bản mường... Một “Sli cuộc” hoàn chỉnh, đúng nghĩa thường có ba chặng:
- Chặng một: Là những lời hát chào mời thăm hỏi: Sli mời, Sli ra đường, Sli gặp gỡ....
- Chặng hai: Là những lời hát trao đổi tình cảm, ca ngợi cảnh vật quê hương đất nước...: Sli đố, Sli mùa xuân, Sli khen, Sli yêu...
- Chặng ba: Là những lời hát dặn dò tiễn biệt: Sli nhắn nhủ, Sli giã biệt...
Dù là “Sli lẻ” hay “Sli cuộc” thì các bài Sli thường rất hàm súc, bóng bẩy, xa xôi, nhiều ví von nhưng không thiếu phần dí dỏm và tinh nghịch. Sli được xem như nơi hội ngộ của những cung bậc, những sắc thái tình cảm khác nhau ẩn chứa nơi tâm hồn Nùng. Đó có thể là tâm trạng của những người mới quen nhau, gặp nhau lần đầu tiên, dụt dè ướm hỏi để thăm dò ý tứ; hay có khi chỉ gặp nhau trên đường xuống chợ cất lên vài câu hát trêu nhau; Cũng có khi họ đã quen biết nhau, cảm - mến - tìm hiểu nhau từ lâu... Những “gương mặt”, những tâm trạng phong phú ấy đều được “dựng lên”, đựơc “bày biện” đầy đủ mà tinh tế, giản dị mà sang trọng, rất đời thường mà ý nhị sâu xa. Cho nên mới nói: Sli Nùng - “rễ ở lòng người, hoa nơi từ ngữ”.
Nói đến các đặc điểm của dân ca chúng ta khó lòng bỏ qua đặc điểm về ngôn ngữ. Vì yếu tố này sẽ cho thấy tính cô đúc, hàm súc của lời ca.
Ngôn ngữ Sli Nùng là sự kết hợp giữa ngôn ngữ đời thường với ngôn ngữ nghệ thuật. Thứ ngôn ngữ giản dị, đẹp đẽ, trong sáng, được chắt lọc qua nhiều thế hệ giúp cho việc biểu lộ nội dung đa dạng, phong phú và tác động mạnh vào sâu thẳm tâm hồn con người.
Người Nùng sớm có chữ viết là chữ Nôm, song trên thực tế phần nhiều (có thể nói là toàn bộ) lời Sli không được ghi chép lại bằng loại văn tự này. Vì thế, những lời Sli được chúng tôi khảo sát cũng chỉ là bản ghi lại mãi sau này bằng chữ La tinh hóa lời hát của những người diễn xướng. Một sự phân tích cụ thể, sâu sắc về loại chữ, kết cấu chữ… là không thể làm và cũng là chưa thể làm trong tình hình tư liệu hiện thời. Cho nên chúng tôi chỉ xin đưa ra một vài nhận xét chung về ngôn ngữ Sli Nùng(3) như sau:
- Ngôn ngữ Sli có sự đan xen của nhiều loại ngôn ngữ. Bên cạnh ngôn ngữ Nùng có ngôn ngữ Kinh, Hán… Điều đó, một lần nữa, thêm phần khẳng định tính chất trau chuốt, mượt mà của lời hát.
- Xuất phát từ mục đích, phương thức diễn xướng, ngôn ngữ Sli chứa đựng cả ngôn ngữ đối thoại (lời trao - đáp) lẫn ngôn ngữ độc thoại - là những lúc nhân vật trữ tình bộc bạch, tâm sự với người hát đối.
1. Ngôn ngữ Sli Nùng - vừa giản dị vừa giàu tính nghệ thuật
Trong Sli Nùng, ngôn ngữ được sử dụng rất gần với lời ăn tiếng nói của người dân miền núi. Lời Sli cứ nhẹ nhàng được hát lên một cách tự nhiên, không cao sang, cầu kì, mà hết sức mộc mạc, chân thành:
               Véng phải păn mà quá véng sau
               Bó slụ sli khỏa lẹ sli làu
               Sáng chừ sli làu làu đảy tóp
               Sáng chừ sli khỏa mí quen làu
Dịch:
               Cây bông lá khía như cây sau
               Chẳng rõ sli mình hay sli đâu
               Nếu phải sli mình mình sli đáp
                   Nếu sli người khác thì hơi đâu…
Thứ được Sli đề cao nhất, ngợi ca nhất là sự thủy chung, chân thành trong tình yêu. Nhưng, qua cái Cầu và việc bắc Cầu trong câu Sli sau đã thể hiện người Nùng có cách nói riêng, cách thể hiện riêng:
Làng xân mì slim pạt kìu mạy
Noọng pèng mì ý các cầu hên
Kìu mạy phjải lai mãn dằng đóc
Kìu hên phân slí phjải xờng dần
Dịch:
Em có lòng tốt bắc cầu gỗ
Anh bắc cầu đá sẵn cùng em
Cầu gỗ đi lâu nó còn mục
Cầu đá đời đời vẫn tốt đi
Ước mong tự do yêu đương có được hạnh phúc trọn vẹn là ước mong ngàn đời của biết bao thế hệ trai gái trên khắp dải đất hình chữ S này. Có thể nói rằng, tình yêu đôi lứa là đề tài đặc biệt được Sli Nùng “ưu ái” nói đến nhiều hơn cả, bởi qua đó vừa thể hiện kết quả vừa bộc lộ trọn vẹn cảm xúc, đồng thời đưa lại “cái nhìn rất Nùng” đầy tính nhân văn dân gian đối với đời sống tình cảm của con người.
Người Nùng - dù gái hay trai, già hay trẻ… đều hiểu được những câu hát Sli và thường gọi là những câu “Sli xanh” - những câu hát không có tuổi. Bởi tất cả đều xuất phát từ những câu nói nơi cửa miệng, từ những suy nghĩ hồn hậu nơi lòng người. Bằng lối nói so sánh người Nùng tạo ra những hình ảnh vừa quen thuộc, giản đơn, vừa có tính nghệ thuật, tính thẩm mĩ cao.
- Đíp có tò tổng pja đíp nặm
Đíp làng hơn quá đíp tai ta
( Yêu anh hơn cả cá yêu nước
Yêu anh còn hơn bố mẹ em)    
                        *
- Làng sân đíp noọng bó lăng pỉ
Đíp pèng cùng lẩm mạy nem năng
(Không gì ví nổi tình yêu em
Yêu em khác gì vỏ liền cây)   
                        *
- Slim làng kít noọng bó lăng pỉ
Xáu ăn phja nắc tú tò tồng
 (Tình yêu đôi ta không gì sánh
Núi nặng bao nhiêu tình bấy nhiêu)
                                *
- Chao đảy ăn xình slêm kít làng
Chang slêm noọng lẩm bjóc slêm cang
(Giao duyên ân tình kết yêu anh
Lòng em như thể hoa sim nở)  
Những từ ngữ, những hình ảnh: cá, nước, vỏ, cây, núi, hoa sim… là những sự vật thường gặp và được gọi tên trong cuộc sống hàng ngày. Thế nhưng một khi bước vào lời Sli, khẩu ngữ Nùng vụt  trở nên hài hòa, sống động hơn: như cá yêu nước, vỏ liền cây - không thể tách rời; và núi kia có ai cân nổi vậy mà lại là “đơn vị” đủ để “cân” được sức nặng của tình anh yêu em; được gặp gỡ, thương yêu, lòng người như thể hoa sim nở tím cả vùng trời...   
Bên cạnh các lời sli có ngôn từ mộc mạc, giản dị, còn có rất nhiều lời ca được trau chuốt, điêu luyện và vô cùng tinh tế. Người Nùng thích mượn những cảnh vật tự nhiên hoặc những hiện tượng xung quanh mình để trải lòng, giãi bày cảm xúc, để cụ thể hóa, cố gắng đong đếm những gì vốn thuộc về cái gọi là trừu tượng như biết bao trạng thái, cảm xúc của con người. Và đây, lời trao - đáp của nam - nữ thanh niên trong Sli yêu càng khắc họa điều này rõ hơn:
Lời cô gái:        Yêu anh hơn cả cá yêu nước
Yêu anh còn hơn bố mẹ em
Lời chàng trai: Không gì ví nổi tình yêu em
Yêu em khác gì vỏ liền cây
Yêu... hơn bố mẹ em! Nghe thoảng qua tưởng chừng vô lí nhưng lại là lời nói rất thật, là tiếng lòng của cô gái. Lí trí cần sự rõ ràng đã là một nhẽ nhưng ở đây tình cảm cũng cần một sự rành mạch tinh tế nơi tâm hồn.
Người con gái trong Ca dao Việt cũng hơn một lần bộc lộ quan điểm, tình cảm một cách táo bạo, thậm chí với những ngôn từ mang màu sắc quyết liệt. Ví như: “Chữ trung thì để phần cha / Chữ hiếu phần mẹ, đôi ta chữ tình”. Thật vậy! Với cha mẹ, con cái luôn biết “kính”, biết “trọng” nhưng với bạn tình, có lẽ không có gì khác ngoài một chữ “tình”. Đứng trước sự lựa chọn giữa chữ “hiếu” và chữ “tình”, Sli đã thể hiện cách giải quyết mạnh mẽ và chân thành của con người. Nhân vật trữ tình đã đi theo tiếng gọi của trái tim, của tình yêu nam nữ. Chẳng ai trong chúng ta lại nỡ phê phán hay chê trách nặng lời cách lựa chọn này từ góc độ đạo đức hay văn hóa ứng xử của con người. Bởi đây là lối ứng xử của tác phẩm trữ tình nói chung, của Sli nói riêng - cách “nói quá” để đạt nhu cầu “giao duyên”. Đồng thời góp tiếng nói lên án những luật tục hà khắc của chế độ cũ, bày tỏ sự đồng tình tự do trong yêu đương.
2. Ngôn ngữ Sli Nùng với cách sử dụng đại từ nhân xưng và động từ
Do cách diễn xướng - hát đối đáp nên đại từ nhân xưng trong Sli Nùng phần nhiều ở ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai. Qua cách sử dụng đại từ nhân xưng người thưởng thức, người tham gia sinh hoạt Sli Nùng sẽ nhận ra chặng hát, khúc đoạn tình cảm mà đôi bên cùng nhau trao - nhận. Khảo sát một số lời Sli mời, Sli giao duyên, Sli kết, Sli giã biệt chúng tôi thu được một số đại từ tiểu biểu: Làu (mình, ta, ai), Sloong làu (đôi ta), Noọng (em, vợ), Noọng pèng (em thương), Pèng (Từ chỉ con gái) -  Slao (Từ chỉ con gái), Pèng Slao (anh thương), Làng (anh), Có (anh), Slim pèng (lòng em) - Slim Làng (lòng anh), Slim noọng (lòng em) - Slêm làng (lòng anh), Sloong làng (hai anh) - Sloong slao (hai em), Pò (trai) - Mè (gái), Cần (người)...
Như trên đã nói, một cuộc Sli “lý tưởng” gồm có 3 chặng, thông qua tần số xuất hiện của các đại từ nhân xưng chúng tôi thấy rõ sự khác biệt và sự phù hợp ở mỗi chặng hát.
Ở chặng 1, những chàng trai cô gái chỉ xưng hô là “Làu” (mình, ta, ai), “Pò” (Trai) - “Mè” (Gái)… thể hiện mức độ tình cảm trong mối quan hệ giữa hai bên đối đáp mới chỉ là sơ giao. Những từ này thường xuất hiện trong những lời hát Sli mời, Sli gặp người mới, Sli vào bản…
Véng phải păn mà quá véng sau
               Bó slụ sli khỏa lẹ sli làu
Sáng chừ sli làu làu đảy tóp
               Sáng chừ sli khỏa mí quen làu
Dịch:
               Cây bông lá khía như cây sau
               Chẳng rõ sli mình hay sli đâu
               Nếu phải sli mình mình sli đáp
               Nếu sli người khác thì hơi đâu…
Chặng 2 biểu hiện mối quan hệ đã được đẩy lên mức độ cao hơn, từ Sli đố đến Sli khen rồi Sli giao duyên, Sli yêu, Sli kết… đi cùng rất nhiều đại từ nhân xưng khác nhau: Noọng - Có (em - anh), Làng - Pèng, Noọng pèng (anh - em), Pèng slao, Slim (Slêm) pèng, Sloong làng (hai chàng, hai anh), Hai slao…    Còn chặng 3 là những lời Sli về cuối, họ đã cùng nhau Sli không còn thiếu một lời. Từ chỗ lạ đến quen biết rồi hiểu, yêu và kết nhau… Sloong làu (đôi ta) là đại từ nhân xưng diễn tả trọn vẹn mức độ mặn nồng trong quan hệ của hai bên đối đáp. Đại từ này thường thấy ở Sli nhắn nhủ, Sli giã biệt… 
Trong cuộc sống hàng ngày, người Nùng sử dụng nhiều đại từ nhân xưng Noọng - Có (em - anh) nên trong Sli ta vẫn thấy tần số xuất hiện của chúng là rất cao.
- nảy chăn slêm đíp noọng nình
Ăn vàm kiảng tói ăn slêm
(Thực lòng anh đây yêu mến em
Lời nói chẳng khác tấm lòng anh) 
Ngoài ra, Làng - Pèng, Noọng pèng (anh - em) cũng được sử dụng khá nhiều, khi “Làng” và “Pèng” đứng một mình độc lập thì nó mang ý nghĩa như “Chàng” và “Nàng” trong tiếng Việt của người Kinh.
Qua lời trao - lời đáp, đôi bên cảm thấy tình cảm đã nồng đượm, bỗng nhiên họ Sli hay hơn, lời Sli không còn ngại ngùng mà trở nên quấn quýt, gắn bó hơn thì đai từ nhân xưng cũng mềm mại tràn ngập yêu thương. Thế nên, chàng trai mới dám gọi cô gái là Noọng pèng (em thương)
Noọng pèng xáu mì xinh dì
Ăn háp xiên cân làng tháy thư
Tăm xình xung phân lao bó mắn
Pèng slao slỉ đảy slim chao có
Dịch:
Em thương với anh có duyên phận
Gánh nặng nghìn cân anh gánh cho
Trình tường gặp mưa lo không vững
Thắp nến những lo lúc gió to     [1;581]
“Pèng” là từ chỉ người con gái, nó được kết hợp với một số từ khác để làm đại từ nhân xưng trong Sli Nùng nhưng với ý nghĩa nhấn mạnh hơn. Ví dụ: Pèng slao, Slim (Slêm) pèng, Noọng pèng…
Đảy sừ tò pjức mơ xày lò
Slim pèng đằng đảy ý vui fằng
Pjức pèng mờ lò đông cần điếu
Mí nả mùn cầư mờ đảy thâng
Dịch:
Giá như giã biệt về cùng lối
Lòng em hẳn  được vui đôi phần
Rời anh đường rừng riêng em bước
Chẳng biết bao giờ mới đến nơi  
Trên thực tế, không chỉ có một đôi nam nữ hát Sli với nhau mà có thể hăt theo cặp (2 đôi), theo bên (từ 3 đôi trở lên)… Vì thế, đại từ nhân xưng buộc phải kết hợp với số từ để phù hợp với số lượng người tham gia. Các từ: Sloong làng (hai chàng, hai anh), Hai slao (hai em)… cũng được làm đại từ nhân xưng
Sloong làng chăn slim mà sli noọng
Bó sli sloong ché sli cần cầư
Mì sli noọng héng sli tóp có
Mí và sloong slao sửng chá tàu
Ti mè sửng chá mì ha nả
Ti pò sửng chá vài mình tàu
Dịch:
               Hai anh thực lòng sli em đó
               Chẳng sli hai em còn sli đâu
               Em có biết sli thì sli đáp
               Chẳng bảo hai em tranh mở đầu
               Nữ hát mở đầu nữ đẹp mặt
               Trai hát mở đầu xấu tiếng tăm   
Trong nhiều lời Sli, đại từ Làu (Mình) kết hợp với số từ Sloong (Hai) thành Sloong làu (Đôi ta) để bộc lộ tình cảm gắn bó, thắm thiết của đôi bạn Sli.   
               Sloong làu sli sớng pjót khừn chang
               Tài cha sli bó nọi lăng vàm
               Lùng vằn tò pjức mờ táng tì
               Đíp noọng kiang slêm nái thủn đang
Dịch:
   Đôi ta sli đã suốt đêm khuya
   Cùng nhau sli chẳng thiếu một lời
   Sáng ra từ biệt về chốn khác
   Yêu em trong lòng khắc khoải mong  
Cũng xin nói thêm rằng, khi những lời Sli giã biệt được cất lên cũng là lúc đôi bên Sli đã giãi bày hết tâm tư, tình cảm của bản thân mình. Nếu hợp ý, bén duyên, muốn thực hiện theo những lời Sli kết để hai người như một, thì lúc đó Sloong làu nghĩa là Hai ta, Hai đứa mình, Vợ chồng mình…
Như vậy, đại từ nhân xưng trong Sli Nùng được sử dụng khá linh hoạt và da dạng. Qua đó, người thưởng thức có thể đánh giá được mức độ tình cảm của hai bên đối đáp là “sơ” hay “thân”… Đồng thời, cách xưng hô cũng in rõ màu sắc địa phương, đó là những lời nói thân mật, cách gọi thân thuộc, gần gũi của người Nùng xứ Lạng.
Ở Sli Nùng, ngoài sự phong phú, đa dạng về đại từ nhân xưng thì một số từ loại khác như tính từ, động từ, số từ… cũng rất tiêu biểu và đáng được quan tâm. Thông thường nhiều người sẽ chọn “tính từ” hay “số từ” nhưng ở đây chúng tôi chọn “động từ” ví như: Đíp (yêu, thương), Chao xinh (tỏ tình), Kít (kết), Piức (Giã biệt, xa, rời)… Bởi qua việc khảo sát văn bản chúng tôi nhận thấy sự xuất hiện và vai trò của “động từ” khá là nổi bật trong việc tạo tính thẩm mĩ, thể hiện quan niệm của con người về con người và thế giới xung quanh.
Người Nùng có lối sống rất “sôi động” họ không ngượng ngại khi phải nói ra điều mình suy nghĩ, “yêu” - “thương” là lãnh địa của cảm xúc và tâm hồn những cũng cố gắng để được rõ ràng. Và, về phương diện thi pháp, như kết quả thống kê đó cho thấy, việc Sli ưu tiên sử dụng động từ đã phản ánh trung thành kiểu tính cách dân tộc đó của người Nùng.
               Đípđíp noọng dằng đíp nọi
               Đíp pèng nắc quá nghé phja hên
Dịch:
               Thương anh thương em còn thương ít                            
Yêu em nặng như núi đá kia      
Tất cả những “động từ” đều diễn tả hành trạng của nhân vật trữ tình - cũng chính là hành trạng của người diễn xướng, đặc biệt thiên về tình cảm, giúp họ bộc lộ trạng thái một cách hiệu quả và có tính thẩm mĩ cao. Đặc biệt kết hợp với “tính từ” trong câu đã thể hiện đậm nét, sâu sắc tình cảm của con người.
               - Đíp có ăn xình đíp đảy lai
               Mí sử pjàng căn kiảng quá đai
               (Mối tình yêu anh yêu quá thôi
               Chẳng phải dối nhau nói để rồi)
3. Ngôn ngữ sli Nùng - ngôn ngữ biểu tượng
Chúng ta biết rằng rất nhiều sự vật, hiện tượng, một cách tự nhiên được khúc xạ vào tâm thức của nhân dân và trở thành những biểu tượng văn hóa. Đối với Sli Nùng, nó lại được khúc xạ lần thứ hai, mang tính thẩm mỹ, vào lời hát và trở thành những biểu tượng nghệ thuật. Dưới đây chỉ xin nêu lên một số biểu tượng tiêu biểu.
Tương tự sông suối, núi thể hiện sự “ngăn cách”, là chướng ngại vật ngăn cản con người, sự bế tắc của tình cảm. Nhưng trong Sli Nùng, núi thể hiện sự lớn lao, sâu nặng về đời sống tình cảm của con người. Đíp pèng nắc quá nghé phja hên (Yêu em nặng như núi đá kia). Hay Xáu ăn phja nắc tú tò tồng (Núi nặng bao nhiêu tình bấy nhiêu).
Cau và trầu biểu hiện trong Sli Nùng với ý nghĩa tượng trưng cho tình bạn bè, làng bản, đặc biệt là cho tình cảm lứa đôi, cho lễ nghi và niềm tin tốt đẹp. Trọn vẹn nhất là tình yêu đôi lứa - nên duyên vợ chồng:
               Sừ chăn slêm kít thâng làng nảy
               Noọng cạ thâng tai chính sừ chăn
               Tai ta noọng sừ slêm chung ý
               Làng au đau mác khẳu tham thâng
Dịch:
               Thực lòng em có kết yêu anh
               Về bảo mẹ cha mới thực tình
               Được lòng mẹ cha đều thuận ý
               Anh dẫn trầu cau hỏi tận nơi    
Cây cầu vẫn bắc qua dòng suối, khe sâu… Bước vào thế giới nghệ thuật Sli Nùng, cái cầu không còn chỉ đơn thuần tượng trưng cho sự nối liền, khắc phục khoảng cách về mặt không gian địa lý, mà quan trọng hơn, còn là sự nối liền khoảng cách giữa hai tấm lòng, hai tấm tình.
               Làng xân mì slim pạt kìu mạy
               Noọng pèng mì ý các cầu hên
               Kìu mạy phjải lai mãn dằng đóc
               Kìu hên phân slí phjải xờng dần
Dịch:
               Em có lòng tốt bắc cầu gỗ
               Anh bắc cầu đá sẵn cùng em
               Cầu gỗ đi lâu nó còn mục
               Cầu đá đời đời vẫn tốt đi    
Sli ra đời và được nuôi dưỡng giữa lòng đời sống Nùng cho nên biểu tượng trong lời Sli thường là những sự vật, hiện tượng gắn với môi trường lao động và môi trường sống của con người nơi đây. Những biểu tượng ấy, chứa đựng mọi cung bậc tâm tư, tình cảm mà chủ yếu là tình cảm, tâm trạng nam nữ, lứa đôi.
Ngày nay, Sli vẫn luôn có mặt trong đời sống của đồng bào Nùng, len lỏi vào tận ngóc ngách của cuộc sống để sinh tồn và phát triển. Nếu chú ý quan sát với tiêu cự gần, chúng ta vẫn thấy vị trí quan trọng của Sli: Những ngày phiên chợ không thể vắng tiếng Sli; Những ngày hội xuân, ngày có khách vào bản...càng không thể thiếu giọng Sli; Thậm chí, những ngày thường lại càng khồng thể mất đi âm Sli.
Để thay cho lời kết, chúng tôi một lần nữa khẳng định Sli chính là hình thức sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân gian không thể thiếu trong đời sống người Nùng nói chung và người Nùng xứ Lạng nói riêng. Lời khẳng định mà cũng là lời tham vọng “lôi cuốn” nếu không muốn nói “lôi kéo” nhiều người đã, đang yêu thích Sli của người Nùng thì yêu hơn nữa và những người chưa một lần tiếp xúc thì sớm đến với nó để mà yêu thích nó. Chúng tôi càng hy vọng rằng việc làm nhỏ bé của mình có thể góp thêm một tiếng nói gìn giữ, phát huy để Sli người Nùng không bị mai một theo thời gian mà mãi “rễ ở lòng người, hoa nơi từ ngữ”.
 
(1) Hoàng Thị Thương - Đặc điểm dân ca Nùng, Luận văn Thạc sĩ Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, 2000
(2) Hiểu một cách đơn giản ca dao thường là “lời của bài hát dân gian - tức dân ca”. Về mặt lý thuyết chúng ta rất cần phân biệt và xây dựng khái niệm ca dao - dân ca thật cụ thể, chính xác. Nhưng trong thực tiễn không thể tuyệt đối hoặc phủ nhận thuật ngữ nào bởi nó là hai phương diện khác nhau của một đối tượng này.
(3) Nguyễn Duy Bắc và Hoàng Văn An - Thơ ca dân gian xứ Lạng, Nxb Văn hóa Dân tộc, H.2001

Tác giả bài viết: Đặng Thế Anh, Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Nguyễn Thị Hoàn

Nguồn tin: Khoa Xã Hội

 Tags: dân ca, Nùng, Sli

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Sứ mạng

Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn đào tạo, bồi dưỡng và liên kết đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, các ngành kinh tế - kỹ thuật, khoa học tự nhiên - xã hội và nhân văn, văn hóa - nghệ thuật trình độ cử nhân; là cơ sở nghiên cứu, ứng dụng khoa học giáo dục; cung ứng nguồn nhân lực đáp ứng...

Lý lịch khoa học
Lý lịch khoa học
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Array
(
    [type] => 2
    [message] => file_put_contents(/08-01-2025_1db4e589d6e7919305c64295098a3dbf.log): failed to open stream: Permission denied
    [file] => /var/www/nvlce2016/vendor/vinades/nukeviet/Core/Error.php
    [line] => 593
)