Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Biểu tượng “Đá” từ đời sống cộng đồng đến tác phẩm văn học dân gian (sự tích “Hòn vọng phu” ở Lạng Sơn)

Thứ tư - 28/11/2018 21:46
I. ĐẶT VẤN ĐỀ:
            Văn học dân gian vừa có nguồn gốc văn học, vừa có nguồn gốc văn hóa. Xét trên phương diện văn học, văn học dân gian là sáng tạo nghệ thuật tinh thần, với việc cùng sử dụng ngôn ngữ làm phương tiện quan trọng nhất để sáng tạo hình tượng. Xét trên phương diện văn hóa thì các tác phẩm văn học dân gian có mối quan hệ mật thiết với sự hình thành và phát triển của cộng đồng.

            Mặt khác, vấn đề mã văn hóa và giải mã văn hóa là vấn đề đã và đang được quan tâm từ phía các nhà nghiên cứu. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Bích Hà, trên thế giới hiện nay đã có 78 quốc gia đã có các công trình nghiên cứu về mã văn hóa và giải mã văn hóa đặc biệt là giải mã văn hóa trong văn học dân gian.
            PGS.TS Trần Lê Bảo trong công trình nghiên cứu của mình đã cho rằng: “Giải mã là đặt văn học vào trong bối cảnh rộng lớn của văn hóa – xã hội hoặc trong ảnh hưởng tới những hiện tượng văn hóa – xã hội khác, từ đó làm nổi bật lên những sắc thái văn hóa phong phú được thể hiện trong tác phẩm văn học hoặc giải mã khám phá những phù hiệu, biểu tượng hàm ẩn muôn vàn lớp ý nghĩa trầm tích của văn hóa trong văn bản văn học cụ thể qua những lớp bề mặt ngôn ngữ của tác phẩm, trên cơ sở so sánh hiện thực và lịch sử, đi sâu vào khám phá nội hàm tâm lý văn hóa và hạt nhận văn hóa tiềm ẩn trong nhiều lớp trầm tích của tác phẩm, đối chiếu tổng thể trên nhiều bình diện, nhiều góc độc để đánh giá hết cái hay, cái đẹp của tác phẩm văn học và ý nghĩa quan trọng của văn học đối với cuộc sống nhân loại” [1, tr.35]. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi muốn giới thiệu đôi nét về Biểu tượng ‘‘Đá’’ từ đời sống cộng đồng đến tác phẩm Văn học dân gian (Sự tích “Hòn Vọng Phu” ở Lạng Sơn).
II. NỘI DUNG
1. Khái niệm biểu tượng:
            Muốn giải mã được văn hóa trong tác phẩm văn học dân gian điều quan trọng nhất là phải nhận diện được mã văn hóa hay nói chính xác hơn là phải xác định được biểu tượng văn hóa.
“Biểu tượng” là một trong ba loại mã văn hóa. Thuật ngữ “Biểu tượng” được bắt nguồn từ tiếng Hi Lạp “Symbolum”, nghĩa là dấu hiệu nhận biết nhau.
            “Biểu tượng” trong tiếng Hán: Biểu có nghĩa là: “bày ra”, “trình bày”, “dấu hiệu”, để người ta dễ nhận biết một điều gì đó. Tượng có nghĩa là “hình tượng”. “Biểu tượng” là một hình tượng nào đó được phô bày ra trở thành một dấu hiệu, ký hiệu tượng trưng, nhằm để diễn đạt về một ý nghĩa mang tính trừu tượng.
Biểu tượng văn hóa được gắn với đời sống của cộng đồng và điều kiện tự nhiên. Đặt biểu tượng văn hóa trong mối quan hệ với cộng đồng đó là niềm tin về tín ngưỡng, phong tục tập quán. Xem biểu tượng đó được xuất phát từ quan niệm nào, có nguồn gốc từ đâu, tìm đến cơ sở sinh hoạt và văn hóa của quan niệm. Từ đời sống những mã văn hóa (biểu tượng văn hóa) được thẩm thấu vào trong tác phẩm văn học dân gian. Giải mã văn hóa dân gian trong văn học dân gian chính là giải mã các biểu tượng văn hóa được ẩn dấu trong đó. Sau đây trong khuôn khổ của bài viết, chúng tôi xin được giải mã đôi nét về biểu tượng ĐÁ từ việc tìm hiểu nguồn cội của biểu tượng ĐÁ trong văn hóa dân gian đến việc chuyển di những quan niệm về biểu tượng ĐÁ vào trong tác phẩm văn học dân gian và cụ thể là vào Sự tích “Hòn Vọng Phu” ở Lạng Sơn theo tiến trình như đã giới thiệu ở trên.

2. Cơ sở hình thành biểu tượng đá trong văn hóa, văn học dân gian

            Cở sở hình thành biểu tượng đá trong văn hóa, văn học dân gian chính là đề cập đến vai trò, chức năng của đá trong đời sống. Có thể nói rằng, đá là chất liệu đầu tiên, gắn liền với hình thái xã hội nguyên thủy. Từ thời xã hội nguyên thủy đá đã gắn với đời sống sinh hoạt cộng đồng của người nguyên thủy về cả phương diện vật chất cũng như phương diện tinh thần của con người.
            Theo định nghĩa trong Đại từ điển tiếng Việt: “Đá là khoáng vật có thể đặc, rắn, giòn, thường kết thành tảng lớn, hợp phần của vỏ Trái Đất, dùng lát đường, vật liệu xây nhà cửa, công trình kiến trúc. Là chất liệu đầu tiên gắn với bước chân chập chững của con người từ xã hội nguyên thủy sang xã hội văn minh, đá từng là nơi cư trú của con người – hang đá, vừa là công cụ sản xuất thô sơ nhưng thiết yếu vừa là công cụ làm ra lửa của người nguyên thủy” [8, tr.570). Từ thưở xưa, loài người đã biết sử dụng đá để phục vụ cho đời sống. Đá có đặc điểm là cứng và con người có thể sử dụng độ cứng của đá để tạo ra công cụ sắc bén  tạo ra hiệu quả trong lao động, đá tham gia vào mọi hoạt động sinh hoạt. Người bình dân dùng đá phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của con người như: để đánh lửa, dựng bếp, kê cột... Đối với tầng lớp vua chúa dùng đá để xây dựng các công trình kiến trúc như: tô điểm đền đài, cung điện, lăng tẩm... Trong tầng lớp thượng lưu đá được sử dụng với mục đích làm vật trang sức để tăng vẻ đẹp sang trọng, cũng như thể hiện uy quyền của mình.
            Có thể nói, đá trở thành biểu tượng tinh thần trong đời sống văn hoá của dân tộc.

3. Đôi nét về tín ngưỡng thờ “Đá” của người Việt Nam

            Với ý nghĩa, vai trò của đá trong đời sống sinh hoạt vật chất cũng như tinh thần của con người Việt từ thời xưa thì biểu tượng đá đã được đi vào đời sống tâm linh một cách tự nhiên. Khi trong tâm thức của người Việt tồn tại thuyết “Vạn vật hữu linh” mọi vật đều có linh hồn thì người ta thấy rằng: giữa đá và linh hồn con người có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Đá cũng là sự sống, cũng có phần hồn, phần xác như con người và đá có thể là nơi trú ngụ cho linh hồn con người, cũng như trong thực tế, thân xác con người sống trong đá (hang), và chết có khi cũng nằm trong đá (chum đá của các dân tộc ở Lào, quan tài chèn đá của người Mường…). Quan niệm đó được huyền thoại hoá thành các câu chuyện ở nhiều dân tộc.
            Nói đến tín ngưỡng thờ đá, có khi đá được thờ chỉ là những khối đá đơn giản. Nhưng bên ngoài vẻ đơn giản đấy là những “tinh đá”, “ông thần đá”, tức là “thần bằng đá”, “thần là chính hòn đá, tảng đá”. Đá mang đặc trưng cơ bản của núi (núi đá), mà núi là chốn linh thiêng, là nơi thông linh giữa trời và đất. Con người đã biết dùng đá vào các hành động mang tính chất ma thuật của họ để đạt được mục đích họ như: cầu mùa, mưa thuận gió hoà, cây cối tốt tươi và gia đình sung túc, hay đôi khi thần đá có thể cho đàn bà vô sinh có con cái, đem sức khoẻ và điều may mắn cho tất cả những ai bị bệnh tật hay chưa gặp vận may … Chính vì vậy mà xuất hiện tục thờ Đá và nó chiếm một vai trò không nhỏ trong quan niệm của người xưa. Nó thể hiện tín ngưỡng thờ Đá của người xưa. Nói đến khái niệm tín ngưỡng PGS. TS Nguyễn Thị Bích Hà có cho rằng: “Tín ngưỡng có thể hiểu là niềm tin, sự ngưỡng mộ đối với một đối tượng siêu nhiên nào đó có ảnh hưởng, chi phối đến đời sống sinh hoạt của con người. Tín ngưỡng là niềm tin về những điều linh thiêng, những sức mạnh huyền bí, vĩ đại mà con người chỉ cảm nhận được mà khó có thể nhận thức được” [2, tr.57]. Như vậy, tín ngưỡng là một sản phẩm văn hoá do con người quan hệ với tự nhiên, xã hội và chính bản thân mà hình thành. Nói về tục thờ đá trong tín ngưỡng Việt Nam sau đây chúng trình bày đôi nét về mối quan hệ tín ngưỡng thờ Đá trong mối quan hệ với các tín ngưỡng dân gian bản địa khác của người Việt Nam.

            Tín ngưỡng thờ Đá và tín ngưỡng thờ Mẫu: Thờ Mẫu là một hình thức thờ cúng đặc trưng của các cư dân nông nghiệp. Tín ngưỡng thể hiện lòng kính trọng đối với quyền năng sinh sản, lòng biết ơn tổ tiên. Tín ngưỡng thờ Mẫu cũng có mối quan hệ và nhiều khi đồng nhất với tín ngưỡng thờ Đá.Tục thờ Đá có liên quan đến tục thờ Mẫu tiêu biểu là hình thức thờ “Kì Thạch Phu Nhân” của nhân dân vùng Nam Trung Bộ. Tại làng Thanh Phước, xã Hương Phong, huyện Hương Trà - Huế, có miếu thờ Kì Thạch phu nhân. Dân làng hàng năm tổ chức cúng vái, cứ ba năm một lần tổ chức đua trải. Sự dung hoà của hai hình thức tín ngưỡng dân gian (thờ Mẫu và thờ Đá) tạo nên một cách phong phú và đa dạng qua những huyền thoại và nghi lễ thờ cúng của nhân dân. Đó là sự kết hợp giữa đá và người, được nhân dân thờ phụng: nàng Mị Châu hoá thành đá, báo mộng cho dân làng đem về thờ; Hai Bà Trưng sau khi chết, linh hồn kết thành đá, trôi theo dòng đến Thăng Long, được dân làng Đồng Nhân vớt lên thờ; tượng Phật bà được đào thấy ở chùa Bà Đá…

            Tín ngưỡng thờ Đá và tín ngưỡng phồn thực: Khi những điều trong cuộc sống đời thường không thể thực hiện được là lúc con người ta sẽ cầu viện đến những thế lực siêu nhiên, có quyền năng vô hạn. Những hình thức nghi lễ để cầu mong sự sung túc, no đủ như thế được gọi là nghi lễ phồn thực. Những nghi lễ phồn thực có liên quan đến tục thờ Đá với tục thờ sinh thực khí. Đây là tục thờ những vật tượng trưng cho sinh thực khí của đàn ông và sinh thực khí của đàn bà. Tục thờ này gắn bó chặt chẽ với tục thờ Đá trong hình thức thờ cúng các vật thiêng. Rất nhiều các cột đá dựng đứng được xem là biểu tượng của dương vật. Quan niệm về đá - dương vật cũng gần với quan niệm cây – dương vật, do cả đá và cây đều có ý nghĩa tái sinh, có liên hệ với linh hồn con người.

            Tín ngưỡng thờ Đá và tín ngưỡng thờ thành hoàng: Thờ cúng thành hoàng là một hình thức thờ phụng mà chúng ta vay mượn của Trung Hoa (với ý nghĩa là thần bảo trợ thành trì). Nhưng ở Việt Nam, hình thức thờ thành hoàng đã thay đổi. Thành hoàng ở ta mang ý nghĩa là vị thần bảo trợ cho làng xóm, nên còn được gọi là Thành Hoàng làng. Vì Thành hoàng có ý nghĩa là thần bảo trợ cho một làng, nên nhiều khi thần Đá cũng được phong tặng là Thành hoàng. Bản chất cứng rắn và kiên định của đá là điều kiện để đá trở thành thần bảo trợ cho một làng, một vùng nào đó.

4. Giải mã biểu tượng “Đá” trong tác phẩm văn học dân gian qua Sự tích “Hòn Vọng Phu” ở Lạng Sơn

            Nói đến ý nghĩa biểu trưng của biểu tượng “Đá” ta thấy rất phổ biến và đặc sắc với những ý nghĩa sau: Đá biểu tượng cho sự bền vững của sự thủy chung, bền vững: “trơ như đá vững như đông”; Đá biểu tượng cho sự thăng trầm, kín đáo: hang đá, tảng đá lớn, vườn đá…; Đá biểu tượng cho nơi linh thiêng, cao quý: nơi ở cửa thân linh; Đá biểu tượng cho nơi linh hồn trú ngụ: đá hóa người, người hóa đá…; Đá biểu tượng cho nơi con người sinh ra hoặc tái sinh: trứng đá, hang đá. Có thể nói rằng, chỉ từ một biểu tượng nhưng ý nghĩa biểu trưng của biểu tượng đó rất phong phú và đa dạng. Với những ý nghĩa trên của đá trong quan niệm văn hóa được chuyển di vào văn học dân gian cũng rất phong phú. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi xin đề cập đến việc giải mã biểu tượng “Đá” với ý nghĩa biểu trưng là biểu hiện cho sự bền vững, thủy chung thông qua việc tìm hiểu Sự tích “Hòn Vọng Phu” ở Lạng Sơn.
            Truyền thuyết nổi tiếng về Hòn Vọng Phu lưu truyền trên mảnh đất Lạng Sơn được kể rằng: Tô Văn và Tô Thị là hai anh em. Thuở bé, trong một lần vô tình, người anh gây thương tích cho người em, do quá lo sợ nên người anh đã bỏ đi biệt tăm. Sau nhiều năm, vì không nhận ra nhau mà hai người kết duyên vợ chồng. Một hôm khi ngồi tâm sự với nhau, chàng mới nhận ra nàng chính là em ruột của mình. Chàng như cháy ruột gan, nhưng vẫn không muốn nàng biết sự thật. Khi có lệnh quan đi lính, chàng đã đăng lính và từ đó không trở về. Tô Thị khóc hoài khóc mãi. Nhớ thương chồng day dứt, nàng ngày ngày bồng con lên núi chờ chồng. Năm tháng trôi qua cùng với nỗi đau tuyệt vọng, cơ thể nàng Tô Thị đã hóa đá và mãi nhìn về hướng chồng đi, từ đó người dân địa phương gọi đó là tượng nàng Tô Thị.
            Sự tích nói về nguồn gốc của tượng đá nàng Tô Thị ở Lạng Sơn. Tượng đá nằm ở phía bắc Thành phố Lạng Sơn, trong quần thể cảnh quan Động Tam Thanh và Chùa Tam Thanh (thuộc địa bàn Phường Tam Thanh, Thành phố Lạng Sơn). Tượng đá Nàng Tô Thị đứng chếch trên sườn núi trước mặt như một biểu tượng cho lòng chung thủy son sắt của người phụ nữ ngàn xưa. Sự tích “Hòn Vọng Phu” được bắt nguồn từ quan niệm con người được sinh ra từ đá rồi khi hóa thân trở về dạng đá. Nó gắn liền với tục thời đá của người nguyên thủy. PGS.TS Nguyễn Thị Bích Hà nhận định rằng: “Nếu không có tục thờ đá ấy thì có chuyện người hóa đá ấy. Từ tín ngưỡng đó, khi đi vào văn học dân gian, đá đã mang nhiều ý nghĩa phong phú và giàu nhân văn. Đá trở thành biểu tượng của sự bền vững thủy chung, trong hình ảnh người vợ chờ chồng đến hóa đá” [2, tr.69].
            Những câu chuyện trên không chỉ được lưu truyền nơi xứ Lạng biên cương mà còn in dấu trong lòng người dân Việt dưới hai câu ca dao nổi tiếng thuộc một phần của văn học dân gian truyền miệng:
“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa,
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh…”.
 
Hình ảnh chùa Tam Thanh và tượng đá Nàng Tô Thị ở Lạng Sơn
Từ biểu tượng đá trong đời sống của cồng đồng dân tộc Việt đã đi vào văn học dân gian một cách tự nhiên và mang nhiều ý nghĩa biểu trưng. Trong sự xô bồ của cuộc sống thường nhật, những dấu tích là sản phẩm của đời sống văn hóa tinh thần của mảnh đất quê hương mang một giá trị văn hóa cao. Trong các giá trị đó là tình cảm của người xưa qua những “gương mặt” đá. Đó là một sự hóa thấn kỳ diệu của con người để minh chứng cho những mối tình thủy chung, son sắt, bền vững, trường tồn cùng thời gian. Và biểu tượng đá đã đi vào trong thơ ca đương đại góp cho sông núi, đất nước những gương mặt của thời gian:
“Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái”
(Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm)
            Trở lại với biểu tượng đá chuyển di vào tác phẩm văn học dân gian, ta thấy sự tích “Hòn Vọng Phu”ở Lạng Sơn ta bắt gặp Motif “hóa đá” với hình tượng người vợ ôm con chờ chồng đến hóa đá gọi là “Đá vọng phu” hay “Đá trông chồng” được lưu truyền trong dân gian nói chung và ở Lạng Sơn nói riêng đã làm rung động trái tim của biết bao con người. Bởi tình cảm vợ chồng đã kết thành “khối tình” của mình thành đá hay nói một cách khác là, đá là những “khối tình” đã được thổi hồn và thăng hoa từ câu chuyện bi ai đầy thương đau. Kiểu truyện hôn nhân vô tình hay còn gọi là “motif loạn luân” – là cuộc hôn nhân diễn ra giữa những người cùng huyết thống.
  Nguồn gốc sâu xa của chi tiết này là phản ánh một quan niệm về hôn nhân trong xã hội cổ, phản ánh những bi kịch gia đình khi chế độ hôn nhân đã chuyển từ hôn nhân nội tộc sang hôn nhân ngoại tộc và từ chế độ quần hôn sang chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Tình tiết rất cơ bản nữa là việc kể về người vợ đứng ngóng trông chồng, chờ chồng với kỳ vọng có được cuộc sống đoàn tụ hạnh phúc sau khi chồng đi xa về. Nhưng hạnh phúc đã không mỉm cười với người vợ, người chồng đã không về và người vợ đã hóa thành đá sau những tháng ngày đợi chờ. Người phụ nữ với sự chung thủy, đã âm thầm, đơn lẻ sống mỏi mòn để chờ đợi. Nỗi đau, lòng tuyệt vọng đã hóa chị thành đá. Bi kịch này nói lên thân phận của người phụ nữ – người chịu thiệt thòi, hy sinh nhiều nhất trong xã hội. Qua chi tiết này, tác giả dân gian đã sáng tạo hình tượng người phụ nữ với sự cảm thông sâu sắc nhất. Nỗi đau, nỗi mong chờ của phụ nữ thấu đến tận trời xanh, tạc vào cuộc sống của con người, nỗi đau ấy lạnh như đá, lâu bền như đá. Hòn đá là biểu tượng về sự bền vững, chống chọi với những nghiệt ngã của thời gian. Hình ảnh người phụ nữ hóa đá đã trở thành “biểu tượng mang đậm chất nhân văn”, bền bỉ trường tồn mãi mãi trong văn học và trong nhân dân.
Ở đây, bi kịch của người vợ trong truyền thuyết“Hòn Vọng Phu” không phải là bi kịch của một cá nhân mà nó đã được nâng lên mang ý nghĩa phổ quát. Và tấm lòng son sắt, thủy chung của người vợ bồng con hóa đá ấy đã trở thành biểu tượng cho phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam.
            Cùng với sự giao lưu và tiếp biên văn hóa, Xứ Lạng là một nơi nằm địa đầu Tổ quốc đã có sự giao lưu và đối thoại văn hóa với Trung Quốc. Nằm ở vị trí đặc biệt như vậy, rất có thể Lạng Sơn là điểm gặp gỡ đầu tiên của biểu tượng Hòn Vọng Phu giữa hai nền văn hóa. Lãnh thổ nước ta mở rộng theo thời gian, từ Bắc xuống Nam, do đó khi tiến dần về phương Nam, ta lại bắt gặp các truyền thuyết, sự tích Hòn Vọng Phu ở Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Bình Định, v.v… Truyền thuyết, sự tích ở các địa phương đều mang chung hai môtif “vợ chồng chia ly”“trông chồng đến hóa đá” và dần dần đã vô danh hóa, tất thẩy đều mang chung tên gọi Hòn Vọng Phu, lưu truyền thông qua hình thức ca dao hoặc truyện kể. Tuy mang nội dung tương tự nhau giữa các câu truyện kể nhưng các chi tiết về cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của các nhân vật, và lý do ra đi của nhân vật người chồng thay đổi tùy theo địa phương mà nó gần gũi với đời sống của cư dân.
III. KẾT LUẬN:
            Biểu tượng đá từ đời sống sinh hoạt thường ngày của cộng đồng, cùng với niệm tin tưởng, sung bái của dân chúng với tín ngưỡng thờ đá của người Việt Nam. Biểu tượng đá đã trở thành một biểu tượng với nhiều ý nghĩa biểu trưng mang đậm nhân văn sâu sắc. Biểu tượng đá như là biểu tượng biểu trưng cho sự bền vững, thủy chung, son sắt đã được dân gian hóa đi vào tác phẩm văn học dân gian. Khi đi vào tác phẩm dân gian với sự tích “Hòn Vọng Phu” biểu tượng đá không chỉ đơn thuần là đá của tự nhiên, của công cụ sản xuất tác động vào giới tự nhiên mà biểu tượng đá ở đây đã được nâng lên một tầm khái quát cao hơn đó là biểu tượng tượng trưng cho phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam: son sắt, thủy chung.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Lê Bảo – Giải mã văn học từ mã văn hóa – NXB Đại học Quốc Gia – H.2011.
2. Nguyễn Thị Bích Hà – Nghiên cứu văn học dân gian từ mã văn hóa dân gian – NXBĐHSP – H.2014.
3. Nguyễn Việt Hùng - Sự tích vọng phu và tín ngưỡng thờ đá ở Việt Nam – NXB Văn hóa thông tin – H.2011
4. Nguyễn Việt Hùng - Tục thờ đá trong tín ngưỡng Việt Nam
5. Jean Chevalier, Alain Gheerbrant – Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới – NXB Đà Nẵng –  Trường viết văn Nguyễn Du – H.1997.
6. Trần Thị Mai Nhân – Đá trong tâm thức người Việt – Tạp chí phát triển khoa học và công nghệ - Tập 18 – Số 2/2015
7. Hoàng Văn Páo (chủ biên) – Lễ hội dân gian Lạng Sơn – Sở Văn hóa thông tin Lạng Sơn – H. 2012.
8. Nguyễn Như Ý (chủ biên) – Đại từ điển Tiếng Việt –  NXB Văn hóa thông tin – Hà Nội.1999

 

Tác giả bài viết: Triệu Minh Thùy

Nguồn tin: Khoa Bồi dưỡng cán bộ quản lí

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Sứ mạng

Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn đào tạo, bồi dưỡng và liên kết đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, các ngành kinh tế - kỹ thuật, khoa học tự nhiên - xã hội và nhân văn, văn hóa - nghệ thuật trình độ cử nhân; là cơ sở nghiên cứu, ứng dụng khoa học giáo dục; cung ứng nguồn nhân lực đáp ứng...

Lý lịch khoa học
Lý lịch khoa học
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Array
(
    [type] => 2
    [message] => file_put_contents(/21-11-2024_fb8bc11120d62564118f3b42e486c986.log): failed to open stream: Permission denied
    [file] => /var/www/nvlce2016/vendor/vinades/nukeviet/Core/Error.php
    [line] => 593
)