Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Bước đầu khảo sát văn bia động Nhị thanh

Thứ tư - 11/01/2017 05:17
Cách Hà Nội hơn 150 km, Lạng Sơn không chỉ được coi như một vùng du lịch hấp dẫn, lí thú với bạn bè muôn nơi mà còn là một vùng văn hoá đặc sắc, nằm trong không gian miền Đông Bắc của Việt Nam.
Thiên nhiên đã ban tặng cho thành phố vùng biên ải này không phải cái thế trải rộng mênh mông mà là sự hội tụ của núi non, sông nước và phố phường. Thành phố Lạng Sơn nằm gọn trong lòng thung lũng vừa đủ để phô bày vẻ đẹp riêng có. Dòng Kì Cùng như dải lụa xanh mềm mại uốn lượn giữa những hang động, núi đá sừng sững muôn hình vạn trạng.
Bước chân đến xứ Lạng, ngắm nhìn những danh thắng gắn liền với những câu truyện lưu truyền từ bao đời, ta cũng thấy dường như cảm xúc của mình hoà với cảm xúc của con người nơi đây với niềm tự hào xiết bao về bề dày lịch sử oai hùng, về những danh lam thắng cảnh mang đậm hương nước hồn quê và chắc chắn phải kể đến động Nhị Thanh.
Động Nhị Thanh nằm trong khu danh thắng Nhị - Tam Thanh với diện tích 55ha, thuộc phường Tam Thanh - Thành phố Lạng Sơn. Bao gồm các hang động núi non, suối nước, thành luỹ… Từ lâu đã là một trong những điểm thăm quan nổi tiếng của du khách, văn nhân thi sĩ, đến nay còn lưu bút lại trên các bia ma nhai ở vách đá hang động này. Sau này được nhân dân địa phương lập chùa thờ cúng phật, thánh càng tạo nên vẻ huyền bí, tôn vinh di tích danh lam.
Bằng bài viết nhỏ trong cuốn sách này, chúng tôi muốn hướng tới việc tìm hiểu, khẳng định  núi non, sông nước của Lạng Sơn không chỉ là những danh thắng mà còn là những nơi ghi đậm dấu tích, lịch sử muôn đời của một vùng non nước hữu tình trên lãnh thổ Việt Nam. Những danh lam thắng cảnh của Lạng Sơn nói chung, hệ thống văn bia trong quần thể động Nhị Thanh nói riêng không chỉ gắn liền với hoạt động văn hoá du lịch, gắn liền với những hoạt động tín ngưỡng tâm linh của người dân mà nó đã thấm vào nếp nghĩ, vào cảm xúc của mỗi con người nơi đây. Chúng thực sự  mang hồn thiêng sông núi, mang hơi thở của mảnh đất và con người nơi nó tồn tại.
Không phải đến bây giờ các văn bia được tạc trong động Nhị Thanh mới được quan tâm mà từ lâu đã được các nhà nghiên cứu, nhiều tổ chức dày công tìm hiểu và điều này gợi mở cho tôi rất nhiều suy nghĩ. Tuy nhiên, mỗi công trình chỉ đề cập đến một góc cạnh. Hơn nữa, các nghiên cứu đến văn bia trong động phần nhiều mới chỉ dừng lại ở việc phiên âm, dịch nghĩa và có điểm qua một vài nội dung tiêu biểu.
Công trình khó có thể bỏ qua nếu tìm hiểu về các văn bia ở Lạng Sơn là cuốn Văn bia xứ Lạng do UBND Thị xã Lạng Sơn phối hợp với Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Lạng Sơn xuất bản năm 1993. Cuốn sách cũng được chính GS. Phan Văn Các khẳng định: Đây là công trình hợp tác đầu tiên giữa Lạng Sơn với Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Cuốn sách gọn gàng nhưng chứa đựng rất nhiều thông tin quý, có thể chia cuốn sách làm hai phần chính. Phần thứ nhất là lời nói đầu, lời tựa và bài viết của người trực tiếp tham gia vào cuốn sách. Phần thứ hai là hệ thống các văn bản về văn bia của Lạng Sơn. Không cầu kì về hình thức nhưng Văn bia xứ Lạng đã cung cấp cho người đọc 44 bản phiên âm, dịch nghĩa của 45 văn bia mà các tác giả đã dày công khảo sát, nghiên cứu trên địa bàn Lạng Sơn.
Nếu Văn bia xứ Lạng là cái nhìn mang tính chuyên biệt thì công trình  Thị xã Lạng Sơn xưa và nay do UBND Thị xã Lạng Sơn xuất bản năm 1990 lại là cái nhìn từ nhiều chiều, nhiều phương diện hơn, từ mặt địa lí, lịch sử, đến đời sống văn hoá, chính trị ở thị xã Lạng Sơn. Trong đó không thể không kể tới phần thơ văn ca ngợi Lạng Sơn qua những xúc cảm trên trấn địa thị xã. Vì thế, cuốn sách cung cấp cho chúng tôi nhiều cứ liệu lịch sử quan trọng để làm nền tảng cho sự vận dụng lí giải các hiện tượng trong văn học. Phần viết vẻn vẹn trong khoảng 10 trang sách nhưng mang tính hệ thống rất cao. Đó là sự ghép nhặt các sáng tác của nhiều tác giả lại với nhau tạo thành một chỉnh thể thống nhất. Nó đề cập tới hai nội dung chính: thứ nhất, phô bày vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên; thứ hai, ca ngợi tình cảm bao la của con người. Hơn hết, một số sáng tác của các nhà thơ lại là văn bản của văn bia động Nhị Thanh. Cho nên, nó làm tôn thêm giá trị cho văn bia Nhị Thanh.
Một số đầu sách khác như: Lạng Sơn nơi địa đầu tổ quốc, Lạng Sơn vùng văn hoá đặc sắc, Xứ Lạng văn hoá và du lịch, Di sản văn hoá Lạng Sơn (tập I)... đều chỉ cung cấp kiến thức khái quát chung về động Nhị Thanh, thiên về mặt giới thiệu để phát triển du lịch. Trong đó, cũng có chút ít nói về giá trị văn bia của di tích văn hoá này. Những đầu sách kể trên giúp người viết định hình được hai giá trị cơ bản của văn bia Nhị Thanh là: giá trị lịch sử và giá trị văn học. Mặt khác làm cơ sở để so sánh đối chiếu với các động khác, để từ đó đưa ra những lí giải cho câu hỏi vì sao lại chọn động Nhị Thanh làm nơi khảo sát, nghiên cứu?
1. Đôi nét về môi trường văn bia Nhị Thanh và tên gọi động Nhị Thanh
Để hiểu một cách sâu sắc về văn bia, văn bia ma nhai, trước hết cần hiểu thế nào là “bia”? Theo Từ điển Tiếng Việt (xuất bản năm 2002), bia là tấm đá lớn có khắc chữ để ghi lại việc người đời cần ghi nhớ hoặc để làm mộ chí. Còn, “văn bia” là văn bản khắc trên bia đá, nói chung. Văn bia thường ngắn gọn có thể dùng tản văn hoặc văn vần, văn biền ngẫu; về người nhằm ca tụng công đức, sự nghiệp, nghĩa cử; về chùa chiền thì sẽ ghi rõ thờ cúng ai, năm dựng, ai góp tiền, có thể miêu tả cảnh trí xung quanh; về vấn đề khác có thể phản ánh về thiên nhiên, bình luận mọi xã hội.
“Bia Ma Nhai” là những tấm bia mà văn bản được khắc trực tiếp lên khối đá tự nhiên nặng khoảng vài tấn nổi lên trên mặt đất, cũng có thể là những vách đá của hang động. Người ta thường mài phẳng một mặt ma nhai rồi khắc văn lên, vì thế mà gọi là bia ma nhai. Bởi vậy, bia đa dạng về hình thức khác nhau: hình vuông, hình chữ nhật…
Ở Việt Nam, văn bia xuất hiện từ rất sớm, nó khẳng định tính sáng tạo và lịch sử lâu dài của nước ta. Những văn bia có niên đại ra đời sớm được ghi nhận vào khoảng thời gian nhà Tuỳ còn đô hộ nước ta (tính từ năm 589 đến năm 617). Hiện nay vẫn được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch Sử Việt Nam. Đó là một trong những chứng tích còn lại cho chúng ta nghiên cứu về một thời xa xôi của quá khứ.
Văn bia mang trên mình nó những thư tịch cổ, có niên đại rõ ràng, có giá trị như những tác phẩm văn học, nghệ thuật.  Ngoài ra, văn bia còn chứa đựng một hệ thống thông tin về nhiều mặt rất đáng quan tâm như: lịch sử, kinh tế, xã hội … thời đại thuộc về quá khứ. Như vậy văn bia không chỉ có giá trị với qua khứ mà còn có giá trị với cả hiện tại.
Văn bia của động Nhị Thanh cũng giống như văn bia của hầu hết các hang động ở Lạng Sơn. Đó là những áng văn thơ được đề tạc trên đá. Thiên nhiên đã ưu đãi dành cho Lạng Sơn những dãy núi đá vôi đồ sộ, hùng vĩ nên số bia ma nhai chiếm phần lớn các văn bia xứ Lạng.
Nét nổi bật của văn bia Nhị Thanh - Lạng Sơn nằm ở đề tài, nội dung rất phong phú. Đó là tinh thần yêu lao động, giàu tính sáng tạo, lòng dũng cảm kiên cường, tình người bao la, tình yêu quê hương đất nước tha thiết của người xứ Lạng. Đặc biệt là ca ngợi thiên nhiên hùng vĩ với những cảnh đẹp độc nhất vô nhị.
Do môi trường tồn tại của văn bia cũng như các văn bia ở các động khác (không có gì đặc biệt) nên trước hết tôi xin chú trọng tìm hiểu tên gọi “Nhị Thanh”.
Núi Nhị Thanh theo Dư địa chí của Phan Huy Chú ghi: “có một dãy núi dăng quanh vài mẫu, hình như vách thành bao bọc, có cửa miệng vò. Ở trong có động nổi cao, trong động có thạch nhũ rủ xuống, hai bên (phải, trái) đều có lỗ đá thông qua, do đó mà nên, lại có động nhỏ hơi thấp, nước theo hang núi khuất khúc chảy ra làm thành khe suối chảy ra ngoài thành...” Động Nhị Thanh đúng là món quà vô giá mà tạo hoá ban tặng cho Lạng Sơn. Có nhiều ý kiến về cái tên Nhị Thanh nhưng trong bài  “Phú động Nhị Thanh” (Bia số 1) Ngô Thì Sĩ viết năm 1779 ông có giải thích ngay ở những câu đầu tiên:
Sao động gọi là Nhị Thanh?
Người làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tự hiệu Nhị Thanh cư sĩ, đứng ra kinh dinh, tên ấy nên thành.
Nhưng trong văn bia số 10 của động Nhị Thanh tác giả Nho Văn Hầu sáng tác năm 1825 lại có ý kiến giải thích: “Tên động là Nhị Thanh, có người bảo bởi quê hương Ngô tiên sinh vốn có hai chữ “Thanh”, cho nên đặt tên như vậy. Nói thế cũng đúng. Kẻ hậu sinh này lại bảo ở Lạng Sơn xưa nay vốn có một ngôi chùa cổ, nhân lấy núi làm thành chùa, từng đã có tên là Tam Thanh. Tiên sinh lên cai quản xứ Lạng này chắc cũng thấy thế, liền gộp hai chữ “Thanh” của thiên nhiên này lại mà thành, để cho động cùng cao ngất với chùa, tên gọi cùng bất hủ với núi. Văn, thơ khắc trên vách đá của các cây bút lớn ca ngợi cảnh đó không chỉ một bài mà đủ…”
Mỗi cách giải thích đều có sự hợp lí song người viết xin đề xuất cách hiểu của mình. Lạng Sơn nổi tiếng bởi khu danh thắng Nhị Thanh và Tam Thanh. Tam Thanh tức là Ngọc Thanh, Thượng Thanh, Thái Thanh là ba cung thanh cao nhất được coi là ba tiên cảnh mà ở đó mỗi cung do một vị thần cai quản. Còn, Nhị Thanh được hiểu như thế nào? Nó xác định bởi ba kiến giải với 二 (nhị), 三 (tam) là các số từ.
- Một là, chỉ ra động do mấy ngọn núi tạo thành. 
- Hai là, chỉ thứ tự sắp xếp về vẻ đẹp của động.
- Ba là, chỉ sự kết hợp giữa núi và suối.
Còn chữ 青 (thanh) nên hiểu theo nghĩa gốc là màu xanh, có thể là màu của núi non, màu của nước, của sắc trởi đổ bóng xuống mặt nước... Nghĩa văn cảnh là đẹp, vừa hùng vĩ, vừa hiểm trở, vừa mỹ lệ.
Như vậy, tên gọi Nhị Thanh có thể hiểu là động tạo nên bởi hai ngọn núi vừa hùng vĩ, vừa hiểm trở, vừa mỹ lệ.
Hệ thống văn bia trong động Nhị Thanh bao gồm 11 văn bia, là những sáng tác của nhiều tác giả khác nhau. Phải chăng thời Ngô Thì Sĩ, động Nhị Thanh được xem như một Hội, một Câu lạc bộ văn hoá rất nổi tiếng. Có lẽ, ông thường cùng các bạn đến đây thưởng ngoạn cảnh đẹp, làm thơ phú đề tạc lên đá, đàn hát, vui chơi... Để ngày nay chúng ta có được những bài ký, vần thơ, bài phú hay về thiên nhiên, đất nước, con người Lạng Sơn.
Có ý kiến cho rằng giá trị của văn bia Nhị Thanh không đặc sắc bằng văn bia các động khác như động Song Tiên, động Tam Thanh. Nhưng theo đánh giá chủ quan của người viết thì cái hay, cái hơn của văn bia Nhị Thanh chính là sự phản ánh tổng hợp. Nếu khai thác văn bia các động khác nhiều nhất chúng ta cũng chỉ có hai giá trị: văn học và lịch sử. Còn văn bia Nhị Thanh tồn tại tới bốn giá trị: văn học, lịch sử, tâm linh và xã hội - thời đại.
Văn bia động Nhị Thanh nói riêng, văn bia Lạng Sơn nói chung thật đa dạng, mỗi văn bia là một trang sử về những dấu tích của một vùng đất thuộc về quá khứ xa xôi. Chúng là những mắt xích, những mảnh ghép quan trọng mà chúng ta có thể tập hợp rồi xâu chuỗi và bổ sung cứ liệu để viết nên một cuốn sử hoàn chỉnh về miền đất địa đầu Tổ quốc.   
2. Khảo sát văn bia Nhị Thanh
Trong phần khảo sát không gian tồn tại của các văn bia chúng tôi xin được quy ước như sau: khu vực cửa hang là khu A; khu vực có tượng Ngô Thì Sĩ truyền thần là khu B; khu nội sảnh (khu sân khấu) là khu C; khu cuối hang (của sau) là khu D; các khu vực khác là khu E.
Theo tiêu chí trên, các văn bia được khảo sát tồn tại trên phạm vi động Nhị Thanh. Trong đó nhiều nhất là khu B rồi đến khu A còn các khu vực C, D, E không có.
Bảng 1: Sự phân bố các văn bia theo không gian của động
TT Khu vực Số lượng Tỉ lệ (%) Ghi chú
1 A 2 18,18  
2 B 9 81,82  
3 C 0 0 Có dòng chữ do Ngô Thì Sĩ đề:“Nơi người Thổ gọi là hang Thông Thiên tức là đây, Trấn phủ Ngô Thì Sĩ ghi lại cuộc chơi” nhưng không được coi là một văn bia
4 D 0 0  
5 E 0 0  
 
            Để dễ dàng hình dung về số văn bia trong động Nhị Thanh, tôi thể hiện dưới dạng biểu đồ sau:
 
1
Qua tình hình phân bố của các văn bia được thể hiện ở bảng 1 và biểu đồ 1, ta thấy tỉ lệ văn bia tập trung chủ yếu ở khu vực A và B là khu vực của hang và khu vực có tượng truyền thần Ngô Thì Sĩ. Đặc biệt là khu B, đạt 9/11 chiếm 81,82% tổng số bia tạc trong động. Con số trên cũng đã thể hiện rõ một trong những yêu cầu tự nhiên khi tạc văn bia là: văn bia phải được đặt ở nơi thuận lợi cho mọi người chiêm ngưỡng, nơi mà người ta dễ quan sát; cửa hang cũng là nơi có nhiều ánh sáng nên dễ dàng thực hiện việc khắc bia và đọc bia. Hơn nữa công việc phát hiện và tôn tạo hang động phải từ ngoài vào trong. Vì thế, văn bia có số lượng nhiều ở cửa hang là lẽ đương nhiên, còn những nơi khuất có chăng cũng chỉ là chứng tích để xác minh các bậc văn nhân, thi sĩ đã từng tới đó.
Trước khi phân tích về sự phân bố theo thời gian của các văn bia tôi tiến hành khảo sát về mặt niên đại và kết quả là có 10 bia ghi rõ niên đại tại phần lạc khoản, chỉ duy nhất 1 bia không ghi rõ niên đại.
Bảng 2: Sự phân bố các văn bia theo thời gian
Triều đại Thế kỉ Niên hiệu Năm thứ Năm dương lịch Số lượng Tỉ lệ (%) Ghi chú
Lê Trung hưng XVIII Cảnh Hưng 40 1779 2 18,2  
41 1780 3 27,2  
Nguyễn XIX Gia Long 13 1814 1 9,1  
Minh Mệnh 1 1820 2 18,2  
6 1825 1 9,1  
XX Bảo Đại 4 1929 1 9,1  
Không rõ 1 9,1  
 
Qua bảng 2, chúng ta thấy, văn bia được chia làm 3 thời kì khác nhau tương ứng ở hai triều đại khác nhau. Thời đầu, văn bia tập trung chủ yếu vào thời Lê Trung hưng (đạt 45,4%) và đặc biệt là ở cuối thế kỉ XVIII. Niên đại của văn bia ở thời kì này khá muộn, so với hai thời kì còn lại thì có thể nói là muộn nhất. Thời kì tiếp theo, văn bia xuất hiện ở hai niên đại Gia Long và Minh Mệnh. Số bia đạt 36,4%, trong đó niên đại Minh Mệnh chiếm tỉ lệ nhiều hơn. Đến thời kì sau chỉ còn duy nhất một văn bia vào niên đại Bảo Đại thứ tư. Như vậy, nhìn vào biểu đồ thể hiện sự phân bố các văn bia theo thế kỉ ở dưới, ta thấy số lượng văn bia có xu hướng là giảm dần.
 
 
Dựa vào bảng 2 và biểu đồ 2, tôi còn thấy văn bia có niên đại thuộc triểu đại nhà Nguyễn tuy trội hơn triều đại Lê Trung Hưng song không đáng kể.
 
  
Như vậy, văn bia động Nhị Thanh có sự phân bố về không gian và thời gian là không đồng đều. Về mặt không gian, có nơi tập trung hơn 80% tổng số văn bia mà có nơi thì không có văn bia nào. Về thời gian, 10 văn bia lần luợt xuất hiện qua ba thế kỉ, từ thế kỉ XVIII đến XX. Tuy số lượng văn bia lúc tăng lúc giảm nhưng càng về gần đây số lượng giảm hẳn và có chiều hướng chững lại. Điều đáng tiếc là có một văn bia mà tôi chưa đủ điều kiện để khai thác và tổng hợp đầy đủ. Hy vọng khi có đầy đủ những máy móc kĩ thuật hiện đại, tôi sẽ tiếp tục khảo sát những gì còn thiếu sót.
Về kích cỡ bia và độ dài của văn bia: tất cả 11 tấm bia đều là văn bia ma nhai cho nên hình thức không cầu kì và cũng không có hoa văn trang trí, có chăng chỉ là hoa văn tự nhiên của mặt đá. Văn bia được viết bằng lối chữ chân và có hai kiểu bố cục.
Mô hình 1: Lạc khoản---------------------Bài văn
Mô hình 2:
Tên bia
Lạc khoản---------------------Bài văn
Kích cỡ bia và độ dài của văn bia luôn là hai yếu tố song hành với nhau mật thiết mà không thể tách rời. Nếu chỉ đề cập đến một trong hai chúng sẽ là một thiếu sót không thể bỏ qua. Nhìn chung, kích cỡ của bia mà to thì độ dài của bài văn đi kèm cũng lớn. Tuy nhiên một số trường hợp bất thường về độ to của chữ cũng có thể nằm ngoài quy luật này.  
Bảng 3 : Độ dài các văn bia
TT Độ dài bài văn bia Số lượng Tỉ lệ (%) Ghi chú
1 Dưới 100 chữ 1 9,1 70 chữ
2 100 – 200 2 18,2 111, 195 chữ
3 200 – 300 3 27,2 222, 223, 283 chữ
4 600 – 700 2 18,2 629, 630 chữ
5 700 – 800 1 9,1 707 chữ
6 Trên 1000 chữ 1 9,1 2571 chữ
7 Không rõ 1 9,1  
Tổng cộng 11 100  
 
Độ dài bài văn bia đạt mức trung bình là 553,3 chữ tương đương với 9,63%. Bài văn bia ngắn nhất là 70 chữ và bài văn bia dài nhất là 2571 chữ. Chủ yếu các văn bia có độ dài dưới 300 chữ. Tiếp đó là các văn bia có độ dài từ 600 đến 700 và từ 700 trở lên chiếm tỉ lệ thấp. Như vậy văn bia có độ dài tương đối ngắn. Để có một hình dung cụ thể về tỉ lệ chênh lệch giữa mức độ dài ngắn của các văn bia. Để rõ hơn, tôi xin miêu tả bằng biểu đồ tròn dưới đây:
 
4
 
 3. Tác giả biên soạn văn bia
Thành phần tham gia xây dựng bia bao gồm nhiều đối tượng khác nhau. Theo đánh giá của người viết, có thể phân làm 5 đối tượng sau: những người chịu trách nhiệm tổ chức việc lập bia; một hoặc những người chịu trách nhiệm soạn thảo bài văn bia; người chịu trách nhiệm duyệt đọc; người chịu trách nhiệm viết chữ và cuối cùng là người khắc chữ. Tuy nhiên, không cứ một văn bia nào cũng đòi hỏi phải có đầy đủ 5 đối tượng kể trên. Đa số các bài văn bia chỉ đề tên người soạn thảo (tác giả). Do vậy, việc khảo sát một cách đầy đủ về những đối tượng khác ngoài người sáng tác là điều rất khó khăn mà lại không cần thiết. Hơn nữa đối tượng chính mà chúng tôi hướng tới là tác giả của các bài văn bia. Vì thế, ở đây tôi chỉ tiến hành khảo sát đối tượng chính nói ở trên.
Bảng 4: Các tác giả có văn bia được tạc trong động Nhị Thanh
TT Tên tác giả hoặc nhóm tác giả Số lượng Tỉ lệ (%) Ghi chú
1 Nguyễn Văn Bân 1 9,1  
2 Lê Hữu Dung 3 27,2  
3 Nho Văn Hầu 1 9,1  
4 Nguyễn Long Hoán 1 9,1  
5 Nguyễn Thận Ngôn 1 9,1  
6 Ngô Thì Sĩ 1 9,1  
7 Ngô Thì Vị 1 9,1 Còn có 7 bài của 7 tác giả khác nhưng đều do Ngô Thì Vị ghi lại
8 Nhóm tác giả 1 9,1 Là các xã trưởng và các vị ở xã Vĩnh Trại châu Thoát Lãng (nay là Lạng Sơn)
9 Không rõ 1 9,1  
 
 
Động Nhị Thanh là một trong những kì tích của tự nhiên và sự có góp công tôn tạo của con người. Ngoài sự nổi tiếng về giá trị danh thắng, Nhị Thanh còn nổi tiếng bởi những giá trị văn hoá nghệ thuật hàm chứa trong di tích. Đó là hệ thống văn bia khá phong phú, có giá trị về mặt sử liệu và văn hoá nghệ thuật của các văn nhân thi sĩ qua các thời kì lịch sử lưu lại ở di tích.
 

Tác giả bài viết: Đặng Thế Anh

Nguồn tin: Khoa Xã Hội

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Sứ mạng

Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn đào tạo, bồi dưỡng và liên kết đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, các ngành kinh tế - kỹ thuật, khoa học tự nhiên - xã hội và nhân văn, văn hóa - nghệ thuật trình độ cử nhân; là cơ sở nghiên cứu, ứng dụng khoa học giáo dục; cung ứng nguồn nhân lực đáp ứng...

Lý lịch khoa học
Lý lịch khoa học
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Array
(
    [type] => 2
    [message] => file_put_contents(/04-12-2024_2b4f3be5d78a43297ce137f249636db9.log): failed to open stream: Permission denied
    [file] => /var/www/nvlce2016/vendor/vinades/nukeviet/Core/Error.php
    [line] => 593
)