Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Mô hình trường học VNEN và những kỹ năng sư phạm cần trang bị cho sinh viên

Thứ năm - 07/05/2015 22:00
Mô hình trường học mới VNEN tại Việt Nam được triển khai thử nghiệm trên diện rộng từ năm học 2012- 2013, trong đó có tỉnh Lạng Sơn. Qua hoạt động đi thực tế phổ thông tại trường tiểu học Quảng Lạc và trường tiểu học Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn, chúng tôi nhận thấy: Đây là mô hình trường học tiên tiến, hiện đại, phù hợp với mục tiêu phát triển và đặc điểm giáo dục của nước ta. Ở mô hình này, học sinh được học qua làm, học độc lập, học tương tác, hình thành và phát huy tính tự giác, tự quản, tự trọng, tự tin, tự học, tự đánh giá và hợp tác cho học sinh.
Cấu trúc bài học (theo bộ tài liệu của mô hình VNEN “3 trong 1”), trong đó có các hoạt động cơ bản (học sinh chiếm lĩnh kiến thức mới trên cơ sở kiến thức đã học), hoạt động thực hành (học sinh củng cố, luyện tập kiến thức, kĩ năng đã chiếm lĩnh) và hoạt động ứng dụng (học sinh tích hợp, mở rộng và vận dụng kiến thức kĩ năng đã học vào cuộc sống thực tế hằng ngày dưới sự giúp đỡ của cha mẹ, người lớn). Tất cả các hình thức học của học sinh được thể hiện trong tài liệu theo lôgô.
Mô hình dạy học VNEN gắn liền giữa học và hành, giữa lý luận và thực tiễn, giúp học sinh tự tìm kiếm kiến thức và học sâu. Tài liệu, sách, vở cho dạy học được thiết kế, biên soạn rất phù hợp để học sinh có thể tự đọc, tự tìm hiểu, tiếp cận kiến thức trong mỗi giờ học tại lớp dưới sự tổ chức, hướng dẫn của giáo viên và tổ chức học tập của nhóm. Phương pháp học tập thể hiện trong tài liệu hướng dẫn các hoạt động học của học sinh. Hoạt động của giáo viên tổ chức cho học sinh học tập, trong đó tổ chức tự học là chính. Hoạt động học của học sinh được thể hiện qua: Trải nghiệm, chia sẻ kinh nghiệm của cá nhân, đọc tài liệu, suy nghĩ và phán đoán, phát biểu ý kiến trong nhóm và trước lớp; thảo luận để cùng tìm ra giải pháp, viết thể hiện ý tưởng, hỏi và học ở cộng đồng, tự đánh giá kết quả học tập. Hoạt động học của học sinh tập trung chủ yếu ở 2 hình thức: Hoạt động cá nhân và hoạt động tương tác (tương tác với bạn, tương tác với giáo viên, tương tác với cộng đồng). Học tập theo mô hình VNEN giúp học sinh phát huy tính tự giác, tích cực, sáng tạo, tự quản, tự tin và hứng thú trong học tập. Đây là phương pháp dạy học mới, giúp các em phát huy tốt các kỹ năng như: giao tiếp, hợp tác, tự tìm kiếm kiến thức, tự đánh giá lẫn nhau trong giờ học.

Mô hình dạy học VNEN đòi hỏi giáo viên phải tiến hành hoạt động dạy qua 5 bước sau: Bước 1: Tạo hứng thú cho học sinh; Bước 2: Tổ chức cho học sinh trải nghiệm; Bước 3: Phân tích - Khám phá - Rút ra kiến thức mới; Bước 4: Thực hành - Củng cố bài học;  Bước 5: Ứng dụng. Mỗi tiết học không tạo áp lực đối với học sinh. Học sinh được hình thành thói quen làm việc trong môi trường tương tác, chủ  động học hỏi từ bạn bè và thầy cô để tự hoàn thành nhiệm vụ học tập, luôn tự ý thức rằng mình phải bắt đầu và kết thúc hành động như thế nào, không chờ đến sự nhắc nhở của giáo viên.
     Tương ứng với hoạt động dạy của giáo viên, học sinh học tập theo 10 bước sau:

 
Các bước học tập được đan xen vào nhau, tùy từng nội dung bài học và mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập của học sinh mà được thực hiện linh hoạt. Học sinh có thể làm việc theo sự phân hóa năng lực của bản thân, có thể hoàn thành nhiệm vụ học tập sớm hơn so với sự kiến và tự mình chuyển trước sang bước tiếp theo hoặc hỗ trợ những bạn học yếu.

Mô hình VNEN thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo nguyên tắc lấy hoạt động học tập của học sinh làm trung tâm, học tập mang tính tương tác và phù hợp với từng cá nhân; chuyển việc truyền thụ tri thức của giáo viên sang việc tổ chức các hoạt động học tập như: làm việc cá nhân; làm việc theo cặp, nhóm, trong đó hình thức học theo nhóm là chủ yếu. Học sinh học tập trong môi trường thân thiện, thoải mái, không bị gò bó, luôn được gần gũi và giúp đỡ của bạn bè, thầy cô; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi. Học sinh khá, giỏi được phát huy khả năng của bản thân; học sinh yếu kém, gặp khó khăn trong học tập được giúp đỡ kịp thời ngay tại lớp.
 

 
Phòng học theo mô hình VNEN được bố trí linh hoạt, đẹp mắt với đồ dùng dạy học sẵn có để học sinh tham khảo như: góc đồ dùng học tập, góc cộng đồng, góc trưng bày sản phẩm... Ngoài ra, còn có sơ đồ cộng đồng, phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong công tác giáo dục.
 

 

 
Quản lý lớp học là “hội đồng tự quản” do học sinh bầu ra và đảm nhiệm.  Đây là một biện pháp giúp học sinh phát huy quyền làm chủ của mình trong quá trình học tập. Hội đồng tự quản được thành lập vì học sinh, cho học sinh, bởi học sinh; do học sinh tự bầu, tự tổ chức và tự quản. Hội đồng tự quản tự xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động và tự điều hành hoạt động. Học sinh hiểu rõ quyền và trách nhiệm của mình trong môi trường giáo dục, được rèn luyện các kỹ năng lãnh đạo, tham gia và hợp tác trong các hoạt động. Đồng thời, xây dựng không gian lớp học với “góc học tập”, “góc cộng đồng”, “thư viện lớp học”, mở nhiều “hòm thư vui”, hòm thư “điều em muốn nói” cũng như trang trí lớp học, tạo ra môi trường giáo dục thân thiện, an toàn. Học sinh được học tập theo phương thức học mà chơi, chơi mà học nhưng vẫn đảm bảo đủ nội dung bài học theo quy định.
 
 
 Trong quá trình thực tập sư phạm, sinh viên hệ CĐSP tiểu học tiến hành giảng dạy các môn học theo mô hình trường học mới VNEN. Mô hình trường học này đòi hỏi sinh viên phải có hệ thống kỹ năng sư phạm khá bài bản. Chính vì vậy, sinh viên cần được đào tạo phương pháp giảng dạy và quản lý học sinh ngay từ học kỳ I năm thứ hai. Bên cạnh việc trang bị kiến thức chuyên môn, sinh viên cần trau dồi các kỹ năng sư phạm cơ bản sau đây:
- Kỹ năng trang trí lớp học: trang trí lớp học đẹp, tạo môi trường sư phạm thân thiện để học sinh có hứng thú và những điều kiện thuận lợi nhất cho việc tự học và học tập tương tác. Đòi hỏi sinh viên phải có khả năng thiết kế và thực thi  ý tưởng sáng tạo phù hợp với điều kiện của lớp học.
 
 
- Kỹ năng tổ chức dạy học hợp tác nhóm nhỏ: Kỹ năng này mang tính đặc thù của dạy học VNEN, trong đó phát huy vai trò của cá nhân và nhóm lớp, nâng cao năng lực tự học cho học sinh. Để thực hiện tốt kỹ năng tổ chức dạy học theo nhóm, sinh viên cần trang bị quy trình tổ chức dạy học và các kỹ thuật dạy học theo nhóm như: chia nhóm, động não, luân phiên,  hỗ trợ các cá nhân trong nhóm, lớp.
- Kỹ năng hình thành và phát triển đội ngũ tự quản (hội đồng tự quản). Các thành viên của hội đồng tự quản luôn được luân phiên để phát huy tiềm năng của học sinh. Vì vậy, sinh viên phải có khả năng tiên đoán được sự phát triển tâm sinh lý của học sinh đặc biệt là đào tạo học sinh phát triển kỹ năng điều khiển người khác tham gia hoạt động. Học sinh miền núi vốn nhút nhát, ngại giao tiếp, vả lại học sinh tiểu học còn nhỏ tuổi đòi hỏi sinh viên cần đầu tư nhiều thời gian, công sức và trí tuệ để đào tạo hội đồng tự quản. Đây là yếu tố cốt lõi đảm bảo sự thành công của mô hình trường học này.
- Kỹ năng tổ chức tự học cho học sinh. Sinh viên cần được rèn luyện kỹ năng hướng dẫn học sinh tự học qua việc nghiên cứu tài liệu, khả năng quan sát và trợ giúp cho học sinh khi gặp khó khăn, sử dụng hợp lý lôgô của các hoạt động…
- Kỹ năng tổ chức các hoạt động tập thể. Giáo viên là người chủ trò lôi cuốn học sinh vào các tình huống có vấn đề để tìm hiểu bài học, kích thích học sinh hứng thú tham gia học tập.
- Kỹ năng đánh giá kết quả học tập của học sinh. Đánh giá định tính thông qua nhận xét không chỉ về mức độ kiến thức và kỹ năng học sinh tiếp thu được mà quan trọng hơn là mức độ năng lực thể hiện kiến thức và kỹ năng đó, đồng thời định hướng cho chiều hướng phát triển năng lực của học sinh trong thời gian tới.
- Kỹ năng kết hợp giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Trong đó, phân tích giúp các bậc cha mẹ hiểu được ý nghĩa, tác dụng của mô hình trường học VNEN, tư vấn cho các bậc cha mẹ về phương pháp dạy học và giúp đỡ, tạo điều kiện cho con em tham gia hoạt động tự học, ứng dụng kiến thức và kỹ năng đã học trong cuộc sống. Đồng thời, tư vấn, đề nghị các bậc cha mẹ hỗ trợ trang trí lớp học và tổ chức các hoạt động thực tế cho học sinh.
Mô hình trường học mới VNEN có nhiều ưu việt trong đó học sinh có cơ hội thể hiện bản thân, phát huy vai trò của hoạt động cá nhân và hoạt động hợp tác. Học sinh được học tập trong một môi trường thân thiện, an toàn và tiện lợi. Đây là mô hình trường học đòi hỏi người giáo viên không chỉ uyên thâm về kiến thức mà còn tài năng về mặt sư phạm. Do đó, ngay từ khi học nghề, sinh viên sư phạm tiểu học cần được trang bị những kỹ năng sư phạm cơ bản cần thiết để thực hiện thành công mô hình trường học này. Tuy nhiên, việc hình thành các kỹ năng sư phạm không phải được tiến hành ngày một ngày hai mà trong một thời gian dài. Vì vậy, sinh viên phải thực sự yêu nghề, đầu tư thời gian, công sức và trải nghiệm thực tế thì mới mang lại hiệu quả đích thực. Để có được hệ thống kỹ năng sư phạm hình thành ở sinh viên đòi hỏi BGH Nhà trường, các phòng, ban, khoa, tổ và giảng viên trực tiếp đứng lớp tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên trong quá trình rèn nghề.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Phương Loan

Nguồn tin: Phòng QLKH - CTĐN

Tổng số điểm của bài viết là: 70 trong 17 đánh giá

Xếp hạng: 4.1 - 17 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Array
(
    [type] => 2
    [message] => file_put_contents(/22-01-2025_7cbacb1ee6e1f7d9079b82800c30cc4e.log): failed to open stream: Permission denied
    [file] => /var/www/nvlce2016/vendor/vinades/nukeviet/Core/Error.php
    [line] => 593
)