Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Hướng dẫn sinh viên tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp trong công tác chủ nhiệm ở trường Trung học cơ sở

Thứ năm - 19/03/2015 05:14
Giáo dục có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực của mỗi quốc gia. Thầy giáo giữ vai trò cốt cán trong công tác giáo dục, là người quyết định trực tiếp chất lượng đào tạo. Ngày nay, khoa học công nghệ phát triển, lượng thông tin được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, nhà trường không còn là cơ sở giáo dục duy nhất nhưng vai trò của người thầy giáo vẫn tăng lên gấp bội. Bởi lẽ, thầy giáo không chỉ “dạy chữ”, “dạy người” mà còn “dạy nghề”, giúp học sinh sinh viên thích ứng với cuộc sống luôn thay đổi. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp: Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Nhận thức được điều đó, trong những năm qua, trường CĐSP Lạng Sơn luôn quan tâm đến việc rèn kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên đặc biệt là kỹ năng làm công tác chủ nhiệm lớp.

Kỹ năng làm công tác chủ nhiệm lớp bao gồm: Tìm hiểu, phân loại học sinh lớp chủ nhiệm; lập kế hoạch chủ nhiệm; xây dựng tập thể học sinh; tổ chức, chỉ đạo thực hiện các nội dung giáo dục toàn diện; liên kết các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường; đánh giá kết quả hoạt động giáo dục. Trong đó, kỹ năng tổ chức, chỉ đạo các nội dung giáo dục toàn diện là quan trọng nhất. Bởi lẽ, trong xã hội sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, kỹ thuật, sự bùng nổ thông tin, sự giao thoa văn hóa giữa các quốc gia, tâm lý của học sinh nhất là học sinh trung học cơ sở (THCS) có những chuyến biến nhất định. Các chuyên gia tâm lý cho rằng: Lứa tuổi học sinh THCS là thời kỳ thay áo nhân cách, lứa tuổi không có thế giới của trẻ con cũng chẳng có thế giới của người lớn nhưng đó là thời kỳ tư duy thao tác (tư duy logic) phát triển mạnh mẽ. Giáo dục học sinh thông qua hoạt động là con đường tối ưu trong giáo dục định hướng phát triển năng lực, hình thành hệ thống “công cụ tâm lý” cần thiết để học sinh chuẩn bị bước vào cuộc sống của thế giới người lớn.

Chính vì vậy, công tác giáo dục đặc biệt là tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với lứa tuổi này. Thông qua các hoạt động giúp học sinh thể hiện được bản thân, tránh sự e dè của tuổi mới lớn, định hướng phát triển giá trị đặc biệt là trau dồi và bồi bổ thêm vốn hiểu biết, kỹ năng sống.

Để bổ trợ cho sinh viên có những kỹ năng nhất định trong việc tổ chức, chỉ đạo học sinh THCS tham gia các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp trong công tác chủ nhiệm, Trường CĐSP Lạng Sơn đã tổ chức các hoạt động phong phú, đa dạng, thiết thực như: sinh hoạt lớp, phong trào tình nguyện, câu lạc bộ, sân chơi bổ ích... Đặc biệt, tổ Tâm lý học - Giáo dục học đã có những nội dung cụ thể trong các học phần: Hoạt động giáo dục ở trường THCS, Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, Kiến thức thực tập sư phạm. Mỗi học phần được thiết kế với những nội dung khác nhau nhằm trang bị cho sinh viên kiến thức cũng như kỹ năng tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp ở trường THCS. Trong đó, học phần Kiến thức thực tập sư phạm, sinh viên có cơ hội được tiếp cận và thể hiện những điều mình đã học. Đồng thời  tạo cơ hội cho sinh viên bộc lộ khả năng của mình cũng như sưu tầm tài liệu, khai thác và ứng dụng công nghệ thông tin, hợp tác giúp đỡ lẫn nhau để xây dựng và tổ chức các hoạt động giáo dục cho học sinh ở trường THCS.

Trong quá trình giảng dạy học phần Kiến thức thực tập sư phạm, chúng tôi tiến hành hướng dẫn sinh viên tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp trong công tác chủ nhiệm ở trường THCS theo quy trình sau:

1. Lựa chọn và giới thiệu các hoạt động giáo dục ở trường THCS cho sinh viên
-  Lựa chọn các chủ đề hoạt động theo từng năm học, tháng học ở trường THCS. Chẳng hạn như: chào năm học mới, tết trung thu, kỷ niệm ngày 20/11, ngày 8/3, 26/3 với các hình thức thể hiện đa dạng như sinh hoạt lớp, hội học, tọa đàm, cuộc thi…
- Giới thiệu các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp ở trường THCS thông qua những nhiệm vụ mà sinh viên phải thực hiện. Thông thường một lớp học  được chia thành 4 - 6 nhóm. Mỗi nhóm phải thực hiện 01 chủ đề với nội dung và hình thức thể hiện khác nhau như: tổ chức sinh hoạt lớp, tọa đàm, hội học... Các nhóm hiểu được các nhiệm vụ giáo dục cần thực hiện, những yêu cầu về việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đặt ra.
Giảng viên công khai các hoạt động giáo dục trước lớp, phổ biến mục tiêu và yêu cầu mà sinh viên phải đạt và thực hiện khi tổ chức các hoạt động. Đặc biệt nhấn mạnh thời gian hoàn thành, nội dung và hình thức tổ chức hoạt động để sinh viên có “bức tranh toàn cảnh” của hoạt động giáo dục cần tổ chức cho học sinh.

2. Tổ chức chia nhóm và giao nhiệm vụ cho các nhóm
- Chia lớp thành các nhóm theo hướng sinh viên giỏi hướng dẫn, giúp đỡ sinh viên yếu kém với các tiêu chí khác nhau như: khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, vốn hiểu biết, kỹ năng điều khiển hoạt động, kỹ năng trình bày,  khả năng làm việc hợp tác....
- Giao nhiệm vụ cho các nhóm. Tùy thuộc vào sự lựa chọn chủ đề và hình thức tổ chức hoạt động của sinh viên mà giảng viên có thể giao nhiệm vụ cho các nhóm một cách  phù hợp. Có thể tiến hành cho sinh viên bốc thăm hoặc tự lựa chọn nhiệm vụ nhưng phải đảm bảo sự đa dạng về nội dung và hình thức thể hiện.

3. Hướng dẫn sinh viên xây dựng kế hoạch và nội dung tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp
          Đây là công việc chuẩn bị để tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp ở trường THCS. Hoạt động này thường được chuẩn bị trong thời gian từ 2-3 tuần (sinh viên làm việc theo nhóm) dưới sự cố vấn và hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp của giảng viên trong thời gian giảng dạy học phần.
          - Trong kế hoạch tổ chức hoạt động giáo dục, sinh viên phải thể hiện được: Mục đích, thời gian, địa điểm, thành phần, hình thức và nội dung tổ chức hoạt động giáo dục. Đặc biệt là chương trình, nội dung tổ chức một buổi sinh hoạt lớp theo hướng đổi mới, tạo tâm lý thoải mái cho học sinh nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
          - Tư vấn cho sinh viên về các nội dung và hình thức tổ chức hoạt động giáo dục. Các nội dung phải gắn liền với lứa tuổi học sinh THCS, đảm bảo tính thực tiễn, cập nhật, giáo dục tình cảm, niềm tin, lý tưởng và giá trị sống cho học sinh. Đặc biệt, các nội dung tổ chức hoạt động giáo dục toàn diện  như tìm hiểu về kiến thức các môn học, kiến thức liên môn, hiểu biết chung, kiến thức giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên, giáo dục giới tính...,  giáo dục an toàn giao thông, giáo dục môi trường..., ngoài ra còn tổ chức các cuộc thi trong đơn vị lớp như thi hội học, thi văn nghệ, thể thao, bài viết dự thi, tư vấn tâm lý....
          - Hỗ trợ và hướng dẫn sinh viên khai thác và ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục.
          - Hướng dẫn sinh viên chuẩn bị cơ sở vật chất, đồ dùng, phương tiện để tiến hành tổ chức hoạt động như việc kê bàn ghế, đội chơi, phần thưởng, maket.
          - Tư vấn về việc lựa chọn người dẫn chương trình, ban giám khảo, người thi, đại biểu cũng như việc thiết kế nội dung và tiêu chí đánh giá.
Việc hướng dẫn cần cụ thể, phù hợp với chủ đề, nội dung và hình thức thể hiện trong đó mở rộng vốn sống, hiểu biết và khả năng cập nhật của học sinh về các lĩnh vực: hiểu biết chung, toán học, vật lý, sinh học, văn học, địa lý, lịch sử, ngoại ngữ, mối liên hệ liên môn, gắn liền giữa việc học trên lớp và ngoài giờ lên lớp.

4. Hướng dẫn sinh viên tổ chức và đánh giá hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp
Giảng viên hướng dẫn sinh viên làm thế nào để tạo được không khí vui vẻ, cởi mở, phát huy được tính chủ động, tích cực, sáng tạo và sự linh hoạt của các thành viên tham gia. Sinh viên được “nhập vai” với các vị thế khác nhau trong hoạt động như: giáo viên chủ nhiệm, đại biểu, người thi, cổ động viên, ban giám khảo, người dẫn chương trình... Mỗi thành viên đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao đặc biệt là người dẫn chương trình vì họ là “linh hồn” của hoạt động. Để hoàn thành được các nhiệm vụ của mình, các thành viên cần nhất trí cao về quy trình và các nội dung thực hiện. Ngoài ra, trong các cuộc thi, thể lệ phải được soạn thảo một cách chuẩn xác, nội dung cuộc thi phải được giữ bí mật thì mới đảm bảo  tính công bằng, tính bất ngờ, gây không khí hào hứng cho người tham gia.
Để đảm khảo tính khách quan, công khai, tính giáo dục và tính phát triển, giảng viên yêu cầu mỗi nhóm cử 01 sinh viên làm giám khảo. Ban giám khảo làm việc một cách nghiêm túc, đánh giá với các tiêu chí rõ ràng, có sự điều khiển và hướng dẫn trực tiếp của giảng viên bộ môn. Ban giám khảo thực hiện nhiệm vụ quan sát, nhận xét, đánh giá cho điểm cá nhân. Sau khi các nhóm hoàn thành nhiệm vụ, ban giám khảo thảo luận dưới sự điều khiển của giảng viên để đi đến sự nhất trí cao về việc nhận xét, cho điểm về sản phẩm hoạt động của các nhóm. Đại diện ban giám khảo nhận xét trước lớp về mặt thành công, hạn chế, hướng khắc phục và điểm số đạt được của  mỗi nhóm. Đồng thời, giảng viên yêu cầu mỗi sinh viên tự nhận xét điểm mạnh và hạn chế của mình trong quá trình xây dựng kế hoạch, tổ chức hoạt động và hướng khắc phục.
Tóm lại, hướng dẫn sinh viên tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp ở trường THCS là một trong những con đường hình thành kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên. Việc hướng dẫn sinh viên tổ chức các hoạt động giáo dục toàn diện cho lớp chủ nhiệm tốn nhiều công sức và thời gian nhưng mang lại hiệu quả thiết thực. Trong quá trình giảng dạy và hướng dẫn sinh viên tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp ở trường THCS, chúng tôi nhận thấy: Sinh viên thực sự thích thú và  hào hứng tham gia hoạt động. Các em hiểu được quy trình và phương pháp tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp ở trường THCS. Sinh viên thể hiện được sự sáng tạo của mình trong mỗi hoạt động, đặc biệt là phát huy được tinh thần đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau, gạt bỏ được tâm lý e dè, ngại giao tiếp vốn là điểm yếu của sinh viên miền núi. Hơn thế nữa, sinh viên có cơ hội được rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp của mình có sự cập nhật thực tế phổ thông trong giai đoạn hiện nay, là yếu tố thành công trong các đợt thực tập sư phạm cũng như khi ra trường tác nghiệp.
         
Sinh viên lớp K16D1 và K4VL- KTCN thực hành tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp trong công tác chủ nhiệm ở trường THCS
(Học phần Kiến thức thực tập sư phạm - Học kỳ I, năm học 2014 - 2015)
 

 

 

 

 

                                               

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Phương Loan

Nguồn tin: Phòng QLKH - CTĐN

Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 4.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Sứ mạng

Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn đào tạo, bồi dưỡng và liên kết đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, các ngành kinh tế - kỹ thuật, khoa học tự nhiên - xã hội và nhân văn, văn hóa - nghệ thuật trình độ cử nhân; là cơ sở nghiên cứu, ứng dụng khoa học giáo dục; cung ứng nguồn nhân lực đáp ứng...

Lý lịch khoa học
Lý lịch khoa học
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Array
(
    [type] => 2
    [message] => file_put_contents(/21-11-2024_1769b58f3e62a2a5b68467d71fd3b61a.log): failed to open stream: Permission denied
    [file] => /var/www/nvlce2016/vendor/vinades/nukeviet/Core/Error.php
    [line] => 593
)