Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Góp phần đọc hiểu “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố khi dạy học phần Văn học Việt nam ở trường CĐSP Lạng Sơn

Thứ tư - 11/01/2017 04:44
Tóm tắt: Đọc “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, từ những người đọc dễ tính cho đến người đọc khó tính, tất cả đều phải khẳng định óc quan sát của Ngô Tất Tố về cuộc sống nông thôn trước cách mạng là “một thứ óc quan sát tinh tường, rất chu đáo”. Những hình ảnh, âm thanh cứ nối tiếp nhau hiện lên rất sống động. Bài viết này mong muốn góp phần giúp cho giảng viên, sinh viên đọc - hiểu “Tắt đèn” một cách hiệu quả hơn thông qua tìm hiểu “không khí Tắt đèn”, mặt khác làm nổi bật thêm chân dung Ngô Tất Tố - một nhà văn hiện thực xuất sắc của dân tộc.
Từ khóa: Đọc hiểu; Tắt đèn; Ngô Tất Tố
Abstract: Reading “Tat den” by Ngo Tat To,  both easy readers and picky ones have to recognize his observation of rural lives before The August Revolution as a very distinct and detailed one. The continuous images and sounds are expressed lively. This article is expected to help teachers and students read and understand “Tat den” more through the context of this work. Besides we can know more about Ngo Tat To - a great realistic writer.
Keywords: Reading and understanding; "Tat den"; Ngo Tat To
 
Văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến năm 1945 là một thời kì có vị trí đặc biệt trong lịch sử văn học dân tộc; có nhiều bộ phận, nhiều khuynh hướng và trào lưu cùng tồn tại với quan hệ qua lại khá phức tạp. Thời kì này có khá nhiều tác giả tiêu biểu: Phan Bội Châu, Nguyễn Ái Quốc, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nam Cao... Trong đó, Ngô Tất Tố (NTT) được đánh giá là cây bút tiêu biểu của dòng văn học hiện thực phê phán 1930 - 1945 với quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh và được tôn vinh lên “chiếu trên” của văn đàn qua tiểu thuyết Tắt đèn. Bài viết này mong muốn góp thêm một cách đọc và giải mã các tầng ý nghĩa của Tắt đèn thông qua quá trình tiếp xúc với văn bản, hiểu được nghĩa hiển ngôn, nghĩa hàm ẩn, các biện pháp nghệ thuật, thông hiểu các thông điệp tư tưởng, tình cảm của tác giả và giá trị tự thân của hình tượng nghệ thuật. Từ đó, làm nổi bật thêm chân dung nhà văn Ngô Tất Tố (NTT).
Nội dung tiểu thuyết Tắt đèn xoay quanh những biến động ghê gớm xảy ra với gia đình chị Dậu trong mùa sưu thuế. Vụ thuế đang trong thời điểm gay gắt nhất. Quan trên sắp về tận làng để kiểm tra, đôn đốc. Bọn lí dịch tay sai hung hãn xông vào từng nhà để đánh trói, bắt bớ và giải những người thiếu thuế ra đình, tiếp tục cùm kẹp, tra khảo. Chị Dậu - người phụ nữ đã phải bán khoai, bán chó, bán cả đứa con gái lớn để nộp sưu cho chồng. Phần thuế của anh Dậu đã đóng xong nhưng bọn hào lí ngang ngược lại bắt phải nộp cả suất của người em trai đã chết từ năm ngoái. Thành thử anh Dậu vẫn cứ là người thiếu thuế. Anh Dậu lại đang ốm rề rề sau trận đòn tưởng chết đêm qua, nếu bị chúng đánh trói lần nữa thì mạng sống của anh khó mà giữ được. Vấn đề quan trọng nhất đối với chị Dậu giờ đây là làm sao bảo vệ được chồng trong tình thế nguy ngập.
Có thể thấy, bức tranh nông thôn trong tác phẩm của Nam Cao hiện lên xơ xác, im ắng bao nhiêu thì mảnh đất và những cảnh đời ẩn sau luỹ tre xanh trong tác phẩm của NTT ngược lại: náo động, om sòm bấy nhiêu. Đọc “Tắt đèn”, từ những người đọc dễ tính cho đến người đọc khó tính, tất cả đều phải khẳng định óc quan sát của NTT về cuộc sống nông thôn trước cách mạng là “một thứ óc quan sát tinh tường, rất chu đáo”. Những hình ảnh, âm thanh cứ nối tiếp nhau hiện lên rất sống động. Vì thế mới nói, “không khí Tắt đèn” - nơi NTT thể hiện cái nhìn về nông thôn từ “biết” đến “hiểu”.
          1. Từ “không khí cuộc sống” đến “không khí Tắt Đèn”
          Chúng ta phải thừa nhận rằng Tắt đèn rất có “không khí cuộc sống”. Đó là không khí của những ngày sưu thuế, đúng hơn là những ngày đốc thuế về cuối; là không khí căng thẳng, ngột ngạt đến tức thở như một “cơn hồng thuỷ chướng giật”, một đêm có bão ập đến khiến những cuộc đời, số phận phải tan tác như “bọt bèo”. NTT “biết” được điều ấy nhưng ông không chỉ nói “suông” cho độc giả biết mà cố gắng làm rõ việc nhận diện được sự tồn tại và tính chất của không khí ấy. NTT đã “biết” và càm nhận thấm thía không khí xung đột giai cấp để từ đó ông “hiểu” và thể hiện ra một cách đầy ám ảnh. Có thể, mô hình hoá đơn giản như sau:
1
          Ở đây, âm thanh và hình ảnh là được tác giả xây dựng như những phương tiện nghệ thuật tác động trực tiếp vào cảm giác con người một cách nhạy bén nhất. Đó cũng chính là những yếu tố làm nên bút pháp nghệ thuật độc đáo của tác giả.
          2. “Không khí Tắt Đèn” - không khí được xây dựng từ những hình ảnh có ý nghĩa như một tín hiệu dự báo
Khảo sát 27 chương, tôi chú ý tới một số hình ảnh:
Stt Hình ảnh Số lần xuất hiện Chương xuất hiện
1 Ánh nắng mặt trời 16 1, 2, 3, 4, 5, 7, 8, 11, 12, 18, 21, 22
2 Trời tối sầm 1 22
3 Trời tối đen 1 27
 
          Những hình ảnh tạo không khí mang tính chất dự báo sự kiện xảy ra, như ánh nắng chói chang, bầu trời tấm sẫm… có sức biểu đạt rất cao. Nó không chỉ là hiện tượng tự nhiên đơn thuần mà mang chở những dự báo về số phận của một con người.
          Nhà văn biết và cảm nhận được cái oi rát của ánh nắng mặt trời vào tháng năm “Ánh nắng tháng năm rát như lửa chàm vào mặt. Hơi nước ở dưới đồng bốc lên, nóng như bơi trong chõ xôi. Những con cua chửa và những con rắn nước chịu không nổi sức nóng của nước trong ruộng, rủ nhau bò lên mặt đường và núp vào các khóm cỏ”. Qua những dòng văn của NTT, ta dễ dàng thấy ông quan sát rất kĩ lưỡng, tỉ mỉ để hiểu về thứ nắng gắt ở một thời điểm nóng nhất, nắng nhất - thứ nắng chết người. Sống dưới sự thiêu đốt của ánh nắng ghê gớm ấy, con người ta tưởng chừng rơi vào trạng thái “tĩnh” nào ngờ vẫn có những người gồng mình lên một cách mãnh liệt - trạng thái “động”. Biết điều này, tác giả đã xây dựng nhân vật chị Dậu là một con người như thế “Chị Dậu cố sống cố chết, nhũng nhẵng dẫn con và chó lẽo đẽo dưới ánh nắng mùa hè”. Chi tiết này thể hiện sức chịu đựng của con người đã lấn át tất cả những khắc nghiệt của thiên nhiên.
Thiên nhiên là nơi chứa đựng sự sống của muôn loài nhưng trong văn học thiên nhiên trở thành phương tiện giúp nhà văn gửi gắm ý tứ, thông điệp cuộc sống…vào trong đó. Và là tấm gương soi chiếu tâm hồn nhân vật, đôi khi lưu giữ hình ảnh dự báo về những biến cố trong cuộc đời nhân vật ấy “Trời đang nắng gắt tự nhiên thấy tối sẫm lại” và sau cơn giông “ánh nắng lại ở trên đầu dội xuống như thiêu như đốt” - Ánh nắng sau cơn mưa như báo hiệu sự an lành song chưa phải đã hết cạm bẫy. Để rồi xuất hiện hình ảnh khép lại trang tiểu thuyết “Trời tối đen như mực và như cái tiền đồ của chị” Tất cả hình ảnh ấy là hiện tượng vốn có của thiên nhiên. Thành công của NTT là ở chỗ biết và mượn thiên nhiên diễn đạt cho độc giả cùng hiểu, sự hà khắc của ánh nắng và sự đổi thay của sắc trời như một lời dự báo tai hoạ, dự báo tiền đồ cho con người - cụ thể là chị Dậu.
3. “Không khí Tắt Đèn” - không khí được xây dựng từ những âm thanh có ý nghĩa như một tín hiệu của bạo lực
Stt Âm thanh Số lần xuất hiện Chương xuất hiện
1 Tiếng mõ 6 1, 2
2 Tiếng trống 13 1, 2, 18, 19, 20, 21, 24, 25
3 Hiệu ốc hiệu sừng 5 1, 16, 19, 20
4 Tiếng tù và 5 1, 2, 19, 20
5 Tiếng kẻng 1 24
6 Tiếng chửi om sòm 1 1
7 Tiếng thét mắng, đâm, đánh 3 1, 16
8 Tiếng cãi cọ 1 3
 
          Nếu thoạt nhìn các âm thanh trong bảng thống kê chắc chắn sẽ có người cho rằng tôi đã có chút sai lầm nào đó. Bởi những âm thanh mang màu sắc bạo lực đâu phải tiếng mõ, tiếng trống, tiếng tù và, tiếng kẻng hay hiệu ốc hiệu sừng… NTT đã biến cái “không phải” thành “phải” bởi ông là người “biết” những âm thanh này đi liền với mùa sưu thuế, gây kinh hoàng cho người dân. Sau những tiếng tù và, hiệu ốc thúc lên… sẽ là cảnh bắt bớ, đánh đập, thét đâm, thét đánh không thương xót: “Suốt năm ngày nay, ngày nào cũng vậy, mõ cái, trống thúc liên hồi, hiệu ốc hiệu sừng inh ỏi. Suốt từ sáng sớm đến tối mịt, trong làng lúc nào cũng có đám đánh cướp”. Cho nên mới nói âm thanh mang màu sắc bạo lực là vì thế. Và âm thanh vốn là “tự nhiên” đã chuyển sang âm thanh “xã hội”.
          Ở đây, âm thanh có các mức độ khác nhau, nó không chỉ trải rộng ra không gian mà còn trải dài theo thời gian, thậm chí nó “đằm” sâu vào trí óc của con người. Những âm thanh từ xa dội lại “Xa xa trong nẻo đình, một hồi mõ cái thật dài tiếp luôn đến trống ngũ liên nện đủ ba hồi chín tiếng”. Có khi lại như chúa chát bên tai “Mõ cái trên cột đình lại há miệng nhận những giùi giận dữ. Trống cái dưới xà đình lại lì mặt chịu những cái nện phũ phàng”. Những âm thanh ấy trải rộng khắp không gian “Tiếng chó sủa, tiếng người hét, tiếng hiệu rúc thổi báo động suốt cả mấy xóm”. Và kéo dài theo thời gian “Ngoài đình trống lại thúc, mõ lại khua, tù và thúc liên thanh bất tử, suốt từ sáng đến tối mịt”. Có thể nói, những âm thanh phát ra từ nhiều “vật” khác nhau, khi là tiếng mõ, tiếng trống, tiếng tù và, khi lại là tất cả cùng vang lên đã làm ra một bản giao hưởng gây khiếp sợ cho con người. Độc giả sẽ có cảm nhận chung về một Tắt đèn từ từ mở ra tấn bi kịch căng thẳng, ngột ngạt ngay từ phút đầu với miền quê nghèo trong những ngày đóng thuế. Làng Đông Xá dường như bị phong tỏa, bị đặt trong tình trạng báo động. Tờ mờ sáng, cổng làng - cảnh cửa thông thương duy nhất với thế giới bên ngoài của cả làng đã bị đóng kín, nội bất xuất, ngoại bất nhập và suốt trong năm ngày liền tiếng mõ thét đến rung rợn.
4. “Không khí Tắt Đèn” - nguyên cớ để “NTT xui người nông dân nổi loạn”
Việc tạo được không khí đầy ám ảnh về cuộc sống, xã hội nông thôn oi ngạt bằng hai phương diện hình ảnh và âm thanh là một thành công nổi bật của ngòi bút NTT, thành công đó cho thấy tác giả không chỉ quan sát bằng đôi mắt mà ông quan sát bằng cả trái tim, để NTT đi từ chỗ “biết” đến “hiểu” sâu sắc thực trạng nông thôn nóng bỏng đương thời. Mặt khác, đó là nguyên cớ để “NTT đã xui người nông dân nổi loạn” như Nguyễn Tuân đã nhận xét.
Ở đây, “xui... nổi loạn” của nhà văn có liên quan trực tiếp đến nhận thức xã hội của chính tác giả. Mặc dù, NTT rất đau xót trước cảnh người nông dân bị chèn ép và vô cùng căm giận sự tàn bạo của những kẻ cường quyền nhưng ông vẫn chưa nhìn ra con đường tất yếu - con đường đấu tranh cách mạng - chưa đẩy nhân vật của mình vào được cái guồng máy đấu tranh chung nên “xui... nổi loạn” trong Tắt đèn mới chỉ dừng lại ở “tức nước vỡ bờ”.
Thuế thân - hai tiếng vừa cất lên đã khiến nhiều người phải rùng mình tính dã man và phi lí của nó, đến cả “người đã chết cũng vẫn phải đóng thuế”. Trước cảnh huống ấy, NTT đã “xui” nhân vật của mình bộc lộ cái bản năng sống không can thiết phải nể sợ ai: Chị túm lấy cổ hắn, ấn dúi ra cửa. Sức lẻo khẻo của anh chàng nghiện chạy không kịp với sức xô đẩy của người đàn bà lực điền, hắn ngã chỏng quèo trên mặt đất… Còn tên người nhà lí trưởng hùng hăng kết cục cũng bị chị Dậu túm tóc, lẳng cho một cái, ngã nhào ra thềm. Sự nổi loạn của người phụ nữ này hoàn toàn tự phát. Đó là kết quả của tình yêu thương cộng với tinh thần phản kháng âm ỉ bấy lâu vùng lên một cách rất tự nhiên khi cái giới  hạn chịu đựng đã bị phá vỡ.
Trong không khí ngột ngạt, căng thẳng của mùa sưu thuế bởi sự tàn ác của giai cấp thống trị, người nông dân chỉ biết cúi đầu cam chịu. Tuy có những lúc họ đã nổi dậy song chỉ mang tính đơn lẻ, chỉ là phản ứng khi bị dồn đến đường cùng, chưa phải là sự đấu tranh được tính toán kỹ càng. Trong tác phẩm, người phụ nữ đã dám đứng dậy chống trả bọn tay sai cường quyền một cách quyết liệt. Hành động ấy như đốm lửa trong thảm cỏ khô, sẽ thổi bùng ngọn lửa phản kháng của người nông dân. Sauk hi đọc Tắt đèn Nguyễn Tuân đã đưa ra một nhận xét hết sức đúng đắn, khẳng định quy luật có áp bức, có đấu tranh; áp bức càng mạnh thì đấu tranh càng dữ dội. Con đường của quần chúng bị áp bức chỉ có thể là con đường đấu tranh tự giải phóng. Tắt đèn chỉ là một đoản thiên. Lúc bấy giờ chưa có cách mạng ruộng đất, mà đã có những ngòi bút dồn nhân vật nông dân mình vào chỗ chân tường, dồn đến mức người độc giả có suy nghĩ phải ý thức ngay được cái tuông ra tất nhiên của nhân vật. Tôi cho đó là dư vị chính trị của Tắt đèn. Đọc xong rồi cả tập Tắt đèn, mà trong cảm quan trong lô gic mình không thấy lóe ra ít nhiều dư vị chính trị đó thì cũng nên tự phê mình nhiều hơn là đi phê người - phê người sao không vặn to lên túy nữa cái bấc đèn nơi mình ít chịu hút dầu” (Nguyễn Tuân - Lời giới thiệu Tắt đèn).
Qua bài viết ngắn này, chúng tôi muốn đưa thêm một cách nhìn về bức tranh nông thôn (qua thân phận chị Dậu và những người nông dân trong gia đình chị) trước cách mạng tháng Tám qua tiểu thuyết “Tắt đèn” của NTT để người đọc và học sinh, sinh viên có thể cảm nhận, thấu cảm sâu sắc và đa diện hơn về tác phẩm nổi tiếng "kinh điển" của dòng Văn học Việt Nam hiện thực phê phán này. Tài liệu tham khảo chính:
  1. Ngô Tất Tố, Tắt đèn, Nxb Văn học, H.2004
  2. Mai Hương, Tôn Phương Lan, Ngô Tất Tố về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, H.2001
  3. Nhiều tác giả, Ngô Tất Tố về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, H.2000
  4. Đỗ Ngọc Thống, Kết thúc của tác phẩm Tắt đèn, Báo Văn nghệ, số 19, ngày 9/5/1992.
  5. Nguyễn Tuân, Truyện Tắt đèn của Ngô Tất Tố. Lời giới thiệu Tắt đèn. Nxb Văn hóa, H.1962
  6. Trần Đăng Xuyền (chủ biên), Văn học Việt Nam thế kỉ XX, tập 2, Nxb Đại học Sư phạm, H.2005

Tác giả bài viết: Đặng Thế Anh - Nguyễn Thị Hoàn

Nguồn tin: Khoa Xã Hội

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Sứ mạng

Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn đào tạo, bồi dưỡng và liên kết đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, các ngành kinh tế - kỹ thuật, khoa học tự nhiên - xã hội và nhân văn, văn hóa - nghệ thuật trình độ cử nhân; là cơ sở nghiên cứu, ứng dụng khoa học giáo dục; cung ứng nguồn nhân lực đáp ứng...

Lý lịch khoa học
Lý lịch khoa học
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Array
(
    [type] => 2
    [message] => file_put_contents(/26-04-2024_c2b00fb41bd03421b0aa7b5f5fd5ccc5.log): failed to open stream: Permission denied
    [file] => /var/www/nvlce2016/vendor/vinades/nukeviet/Core/Error.php
    [line] => 593
)