Việc tăng cường sự kết nối giữa lý thuyết và thực hành trong giảng dạy để nâng cao chất lượng học tập của người học đã và đang là một trong những yếu tố được quan tâm đặc biệt trong nền giáo dục hiện nay. Với đặc thù môn học chủ yếu là các nội dung thực hành, GV là người gợi mở và SV là người hoạt động chính, học phần Thủ Công - Kỹ Thuật do giảng viên tổ Tự Nhiên khoa GDTH-THCS phụ trách là một trong những học phần mang tính chất đặc thù và hấp dẫn đối với SV.
Ngày 03 tháng 12 năm 2018 tại phòng học 303 cơ sở 2 trường CĐSP Lạng Sơn, tập thể SV lớp K18T dưới sự tổ chức, hướng dẫn của GV Hoàng Thị Quyên và sự tham gia của tổ chuyên môn, tiết học thực hành Thủ Công - Kỹ Thuật được tiến hành như một buổi ngoại khóa, nội dung chính là thiết kế một mâm cơm với chủ đề tự chọn.
Đại diện các nhóm lên thực đơn mâm cơm của nhóm mình Lớp học được chia thành 3 nhóm với các chủ đề “Ẩm thực đồng quê” (nhóm 1), “Tiệc cung đình” (nhóm 2) và “Bữa ăn gia đình” (nhóm 3). Các món ăn theo chủ đề mà các nhóm đưa ra đều thiết thực, hợp lý và gần gũi trong cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt, để chế biến ra các món ăn như vậy các em SV đã ứng dụng rất tốt kiến thức lý thuyết đã được học trước đó cho việc lên kế hoạch chương trình, xây dựng chủ đề và các món ăn, lựa chọn nguyên vật liệu đảm bảo về giá thành cũng như chất lượng và quy trình chế biến món ăn.
Đầu tiên là chủ đề món ăn “Ẩm thực đồng quê” của nhóm 1 lấy ý tưởng từ con người và cuộc sống nơi thôn quê, các món ăn mà các em chế biến chủ yếu mang hương vị của đồng quê chất phát như ốc hấp lá xả, bắp cải muối, rau muống xào tỏi, bún mẹt, thịt lợn luộc... trong đó đặc biệt hơn cả là món bắp cải muối. Với món ăn này tuy không tốn kém nhiều về vật chất nhưng để dưa đủ độ giòn, chua mà không bị nẫu thì đòi hỏi sự cầu kỳ về kỹ thuật và ngâm đủ thời gian.
Mâm cơm nhóm 1, chủ đề “Ẩm thực đồng quê”Đại diện nhóm 1 thuyết trình về các món ăn Chủ đề món ăn của nhóm 2 là “Tiệc cung đình”, với các món ăn mang tính chất hiện đại và kiểu cách hơn như nem công, khoai tây chiên, phở cuốn, súp gà... hầu hết các món ăn đều được bầy biện tương đối cầu kì, đẹp mắt. Hầu hết những món ăn mà các em đưa ra đều là những món ăn quen thuộc, dễ ăn và hấp dẫn đối với người thưởng thức không chỉ về vẻ bên ngoài mà còn đảm bảo về chất lượng thực phẩm.
Mâm cơm nhóm 2, chủ đề “Tiệc cung đình”Đại diện nhóm 2 thuyết trình về các món ăn Cuối cùng là bài thuyết trình của nhóm 3 với chủ đề “Bữa cơm gia đình” ấm cúng và hạnh phúc với các món trứng hấp vân, xôi lá dứa, đậu nhồi thịt sốt và chua, quýt Bắc Sơn... Mâm cơm mà nhóm 3 thể hiện ở đây tuy không hiện đại như mâm cơm “Trà cung đình” của nhóm 1; không dân dã, thôn quê như “Ẩm thực đồng quê” của nhóm 2 nhưng chỉ nhìn thôi đã thấy được sự ấm cúng, yêu thương của các em SV trong nhóm đã dành cả tâm huyết của mình vào các món ăn.
Mâm cơm nhóm 3, chủ đề “Bữa cơm gia đình” Sau khi các nhóm thuyết trình mâm cơm, GV giảng dạy Hoàng Thị Quyên đã tiến hành tổ chức cho đại diện các nhóm cùng với các thầy cô là BGK tiến hành thẩm định và chấm điểm cho các nhóm.
BGK thẩm định món ăn của các nhóm Có thể thấy được sự đầu tư về công sức, vật chất, thời gian và trí tuệ để hoàn thiện được một bữa cơm mà các em đã thực hiện để nghiệm thu cho nội dung môn học. Đó là cả quá trình cố gắng, nhiệt tình và đoàn kết giữa các thành viên.
Qua buổi học, SV hiểu và vận dụng được kiến thức về thiết kế một bữa ăn hợp lí về dinh dưỡng, thẩm mỹ, số lượng người ăn, phù hợp tài chính và an toàn thực phẩm. Các em có kỹ năng thiết kế một bữa ăn phù hợp cho gia đình, lựa chọn thực phẩm đảm bảo chất lượng cho các món ăn và thực hiện chế biến các món ăn ngon và đẹp mắt. Tiết học sôi nổi, SV hứng thú, chuẩn bị tốt và tham gia nhiệt tình. Giờ học thật sự bổ ích và mang ý nghĩa thiết thực, đem lại bầu không khí tươi vui, đoàn kết và yêu mến môn học.