Nâng cao năng lực ứng xử và đạo đức nhà giáo cho giảng viên và sinh viên ở trường CĐSP Lạng Sơn hiện nay
admin
2019-11-05T04:34:54-05:00
2019-11-05T04:34:54-05:00
https://bak16.lce.edu.vn/vi/news/Tin-tuc-Su-kien-59/nang-cao-nang-luc-ung-xu-va-dao-duc-nha-giao-cho-giang-vien-va-sinh-vien-o-truong-cdsp-lang-son-hien-nay-1012.html
/themes/default/images/no_image.gif
Trường CĐSP Lạng Sơn
https://bak16.lce.edu.vn/uploads/about/empty.png
Thứ ba - 05/11/2019 04:33
Năng lực sư phạm và đạo đức nghề nghiệp của giáo viên có vai trò vô cùng quan trọng, góp phần quyết định chất lượng chất lượng giáo dục trong mỗi nhà trường, Do vậy, thầy cô giáo phải luôn trau dồi năng lực chuyên môn, tu dưỡng phẩm chất đạo đức nghề nghiệp để xứng đáng với sự tôn vinh và niềm tin yêu của xã hội.
Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn là cơ sở giáo dục đại học có nhiệm vụ đào tạo, liên kết đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên trình độ đại học, cao đẳng đảm bảo chất lượng thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội - nhân văn, khoa học giáo dục phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển giáo dục - kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh Lạng Sơn và các tỉnh trong khu vực. Hiện nay, trường đang phấn đầu trở thành trường đại học đa cấp, đa ngành – một trung tâm đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ có uy tín của khu vực miền núi phía Bắc và trên toàn quốc.
Trong bối cảnh hiện nay, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo liên tiếp có văn bản yêu cầu một số địa phương xem xét, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo cũng như những hành vi, ứng xử thiếu văn hóa trong nhà trường. Đây thực sự là vấn đề “nóng”, đang được xã hội và nhiều trường quan tâm trong đó có trường CĐSP Lạng Sơn.
1.Thực trạng năng lực ứng xử và đạo đức nhà giáo ở trường CĐSP Lạng Sơn
Có thể nhận thấy, trong nhiều năm qua, vấn đề đạo đức, năng lực chuyên môn luôn được ban giám hiệu nhà trường quan tâm và đưa vào kế hoạch trong tâm của nhà trường. Nhiều những tấm gương giảng viên tiêu biểu đạt thành tích cao trong công tác chuyên môn và nghiệp vụ được tôn vinh, nhiều sinh viên ra trường sẵn sàng tình nguyện vào vùng sâu, vùng xa gieo các con chữ cho học sinh. Nhiều thầy cô luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ đồng nghiệp trong cuộc sống và trong công việc; có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng với sinh viên, thực hiện đúng điều lệ, quy chế giáo dục, chống tiêu cực và bệnh thành tích. Trong công tác nghiên cứu khoa học luôn thể hiện tính tích cực, đi sâu khám phá cái mới, nắm chắc và vận dụng sáng tạo các nguyên tắc, phương pháp dạy học, nghiên cứu khoa học vào quá trình dạy học và giáo dục.
Tuy nhiên, trong tình hình thực tế hiện nay, trường cao đẳng sư phạm cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ một số biểu hiện lệch lạc, bất cập trong đời sống xã hội làm suy giảm, ảnh hưởng tới truyền thống đạo đức nghề nghiệp, đạo đức người thầy. Các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống hiện nay của nhà trường dù đã đổi mới nhưng vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu, mong muốn của sinh viên và giảng viên.
Về phía sinh viên
Trường CĐSP với đặc thù đào tạo đội ngũ giáo viên cho toàn tỉnh, lực lượng sinh viên nữ chiếm ưu thế, nên phần lớn các em ngoan, ý thức được các nhiệm vụ học tập. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn không ít sinh viên còn chưa tìm được phương pháp học tập phù hợp, một số còn thụ động, ngại nêu lên thắc mắc và ý kiến của mình để đóng góp vào việc học tập trên lớp mà chỉ thích nghe giảng viên nói cho nghe, nhiều em không thực sự tự tin vào năng lực, trình độ của mình và cho rằng mình không có khả năng nghiên cứu. Ngoài ra, sinh viên trường sư phạm cũng như nhiều các trường khác hiện nay được tiếp cận quá nhiều phương tiện truyền thông hiện đại như điện thoại di động, truyền hình cáp, internet... nên dễ bị tiêm nhiễm những tư tưởng xấu, không ít sinh viên nam còn chưa ý thức rõ nhiệm vụ học tập của bản thân… Không ít các bạn nữ thì bị ảnh hưởng quá nhiều của những bộ phim lãng mạn Hàn Quốc, các thần tượng âm nhạc. Từ cách ăn mặc đến đầu tóc hay phong cách thời trang các bạn đều thể hiện sao cho giống thần tượng của mình. Hoặc chạy theo một kiểu tình cảm chớp nhoáng, sống thử và quan niệm sống “trẻ không chơi - già hối hận” .
Về phía các giảng viên
Vẫn còn một số ít thầy cô trong công tác chuyên môn mặc dù đã chú trọng đến việc lồng ghép các giá trị đạo đức lối sống vào bài dạy tuy nhiên hiệu quả chưa cao. Kiểm tra đánh giá sinh viên còn mang tính chủ quan, nhiều khi chưa đánh giá đúng thực chất kết quả học tập của sinh viên. Một số thầy cô chưa thực sự nghiêm túc và tích cực học tập, nghiên cứu, khám phá cái mới; vẫn còn có biểu hiện bệnh thành tích trong đánh giá điểm số... Những hiện tượng trên tuy không nhiều nhưng đã tác động không nhỏ đến hình ảnh của một nghề cao quý được xã hội tôn vinh, ảnh hưởng đến giá trị đạo đức của các thầy cô.
2. Nâng cao năng lực ứng xử và đạo đức nhà giáo hiện nay ở trường CĐSP Lạng Sơn
Để nâng cao năng lực ứng xử và đạo đức nhà giáo hiện nay ở trường CĐSP Lạng Sơn cho sinh viên và đội ngũ cán bộ giảng viên nhà trường, hiện nay chúng tôi đang và đã thực hiện hướng tới một số vấn đề trọng tâm như sau:
2.1. Về phía sinh viên
Nhà trường luôn quan tâm, chú trọng hơn việc giáo dục tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh cho sinh viên thông qua các môn học trên lớp; các buổi ngoại khóa; các chuyên đề gắn với pháp luật, đạo đức; các hoạt động tình nguyện, từ thiện, giáo dục kỹ năng mềm… nhằm xây dựng cho học sinh, sinh viên thế giới quan, phương pháp luận đúng đắn để giải quyết những vấn đề do thực tiễn đặt ra. Giúp sinh viên nhận thức đúng những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Hướng tới giáo dục ý thức tình cảm cao đẹp về tình yêu quê hương, đất nước: “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, “thương người như thể thương thân”, “quên mình vì nghĩa lớn”;
Chủ động kết hợp chặt chẽ với đoàn thanh niên trong việc tổ chức các phong trào tiêu biểu như “Thanh niên lập nghiệp và tuổi trẻ giữ nước”, “Thanh niên tình nguyện”, “Chiến dịch mùa hè xanh”…… Từ đó hình thành cho sinh viên lối sống trong sạch, lành mạnh, những hành vi đạo đức trong sáng phù hợp với các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và thời đại. Để việc giáo dục bồi dưỡng có hiệu quả, cần tổ chức tốt
Biểu dương, khen thưởng kịp thời với sinh viên có kết quả học tập tiến bộ và tích cực làm công tác nghiên cứu khoa học nhằm khuyến khích và tăng cường phát huy vai trò của sinh viên trong tự học tập, tự tu dưỡng đạo đức lối, hình thành cho sinh viên nhu cầu, động cơ phấn đấu, rèn luyện đúng đắn, làm cho mỗi người có ý thức làm chủ, ham học hỏi, cầu tiến bộ, vươn lên tự khẳng định mình. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để sinh viên phấn đấu, rèn luyện; đồng thời phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết quả, định hướng phấn đấu cho sinh viên.
Tổ chức các buổi ngoại khóa cho sinh viên với các chủ đề về pháp luật, về giao tiếp ứng xử; Các buổi đối thoại, giải đáp, chia sẻ với sinh viên Website, facebook và các phương tiện truyền thông khác; chuyển tải các nội dung hướng dẫn, tập huấn kỹ năng mềm về giao tiếp ứng xử sư phạm cho sinh viên, mời chuyên gia tư vấn nhận diện, xử lý các tình huống vi phạm các quy định đạo đức nhà giáo, vi phạm pháp luật
2.2. Về phía các giảng viên
Việc bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức nhà giáo luôn được xem là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, có tính chiến lược trong chỉ đạo của nhà trường. Do vậy, nhà trường yêu cầu GV thường xuyên chú trọng tăng cường việc tuyên truyền, hướng dẫn các giảng viên hiểu và nắm chắc các chuẩn mực, quy định về chuẩn mực đạọ đức nhà giáo, quy chế chuyên môn và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền như: sinh hoạt chuyên đề, viết tin bài đăng trên các tạp chí khoa học có uy tín, hội thảo chuyên môn, dự giờ đồng nghiệp…
Khuyến khích giảng viên viết các tin bài tuyên truyền nội dung liên quan đến các quy định hiện hành về đạo đức nhà giáo, các thông điệp nhà giáo nên làm và hành vi nhà giáo không được làm…đăng trên các trang web nhà trường. Bên cạnh đó cũng
động viên các giảng viên có nhiều bài viết hay, giờ dạy hay, sáng kiến đề tài có tính ứng dụng cao, biểu dương và nhân rộng gương điển hình để đồng nghiệp học hỏi.
Nhiều nội dung chương trình môn học được các giảng viên rà soát xây dựng mới lại với trọng tâm tăng cường các nội dung thực hành và rèn kỹ năng mềm cho sinh viên. Một số nội dung liên quan đến văn hóa sư phạm ứng xử được đưa vào trong các môn học như : Tâm lý học, thực hành nghiệp vụ sư phạm…Dự kiến đưa thêm học phần Tâm lý đại cương và giao tiếp ứng xử vào giảng dạy các lớp ngoài sư phạm nhằm giáo dục văn hóa giao tiếp ứng xử cho sinh viên các hệ không chính quy thuộc nhà trường quản lý.
Các giảng viên nhà trường cũng được yêu cầu tăng cường chú trọng đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học. Chú trọng phương pháp trải nghiệm sáng tạo, các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa của người học; giáo dục kiến thức pháp luật, giáo dục công dân.
2.3. Về phía nhà trường
Nhà trường chú trọng quan tâm hơn việc giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để các giảng viên phấn đấu, rèn luyện; thực hiện chính sách khen thưởng, biểu dương những trường hợp điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt” trong rèn luyện phẩm chất đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời yêu cầu mỗi giảng viên phải biết tự xây dựng kế hoạch tự rèn luyện nâng cao năng lực chuyên môn và văn hóa đạo đức ứng xử của bản thân.
Nhà trường cũng hướng tới việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử riêng áp dụng cho sinh viên, giảng viên nhà trường dựa trên Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025” để gắn với thực tế nhà trường trong thực tiễn hiện nay.
Chú trọng phổ biến kịp thời các văn bản, các quy định về đạo đức nhà giáo, các hành vi ứng xử trong và ngoài lớp học, trường học thông qua các buổi họp sinh hoạt chuyên môn, các buổi họp khoa, tổ, các buổi sinh hoạt chuyên đề do Công đoàn phối hợp với chuyên môn cùng thực hiện.
Tổ chức sinh hoạt chuyên đề về đạo đức nhà giáo, về thực hiện các văn bản mới quy định liên quan đến đạo đức nhà giáo trong sinh hoạt chuyên môn. Tuyên truyền, vận động cán bộ giảng viên nắm vững và thực hiện nghiêm túc pháp luật của nhà nước, các quy định của Ngành, bộ quy tắc ứng xử trong trường học...
Nhà trường xác định nhiệm vụ trọng tâm của năm học gắn với việc nâng cao năng lực sư phạm, đạo đức nhà giáo để động viên, hướng dẫn, hỗ trợ giảng viên, sinh viên cùng thực hiện; Khen thưởng kịp thời cho những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong chuyên môn và công tác công đoàn, hoạt động đoàn, hội sinh viên.
Chỉ đạo sát sao công tác chuyên môn của các phòng, khoa, tổ nhằm đánh giá đúng thực chất năng lực chuyên môn của giảng viên, năng lực học tập của sinh viên, chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục.
Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả hai cuộc vận động: "Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo"; "Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm" với những đổi mới về nội hàm và các nội dung, tiêu chí cụ thể phù hợp. Phối hợp triển khai bộ quy tắc ứng xử trong trường học theo Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025” đã được Chính phủ phê duyệt.
Kết luận
Việc nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới hiện nay được xem như một thông điệp góp phần giảm thiểu, tiến tới chấm dứt hiện tượng nhà giáo trong ngành có những hành vi ứng xử không phù hợp, vi phạm đạo đức nhà giáo. Giúp các cán bộ quản lý, các thầy cô giáo thay đổi tư duy để hướng tới môi trường sư phạm lành mạnh, văn minh, thân thiện với giá trị cốt lõi; yêu thương, an toàn và tôn trọng, bao dung, độ lượng, sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của học sinh, sinh viên và đồng nghiệp; tận tuỵ với công việc; thực hiện đúng điều lệ, quy chế giáo dục, quy định của nhà trường đáp ứng với yêu cầu thực tế của xã hội nói chung và ngành giáo dục nói riêng.