Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Bên cạnh người đàn ông thành đạt là người phụ nữ thành công

Thứ tư - 26/04/2017 02:16
Người là hoa của đất, phụ nữ là hoa của đời. Phụ nữ đẹp không phải chỉ do trời phú những đường cong tuyệt mỹ trên cơ thể, đôi má ửng hồng hay đôi mắt lúng liếng mà họ đẹp bởi có trái tim biết yêu thương, đôi bàn tay thêu dệt cuộc đời, cho mỗi mái nhà thêm ấm áp, cho tiếng cười vang dội của trẻ thơ, cho trái tim người đàn ông bớt băng giá. Trong thời kỳ kháng chiến, người phụ nữ Việt Nam xứng đáng được Bác Hồ trao tặng 8 chữ vàng: “Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang”. Người phụ nữ trong xã hội hiện đại được ca ngợi bởi 4 phẩm chất đạo đức chuẩn mực: “Tự tin, Tự trọng, Trung hậu, Đảm đang”, các chị không chỉ thể hiện những phẩm chất ấy trong mỗi gia đình mà còn thể hiện ở ngoài xã hội đặc biệt là trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xứng đáng với danh hiệu: “Giỏi việc nước đảm việc nhà”. Thật xúc động khi chúng tôi viết về người mẹ, người chị, đồng nghiệp của mình, những người đã tạo nên một nửa thế giới tươi đẹp này. Câu chuyện chúng tôi muốn kể ở đây chính là:
Bên cạnh người đàn ông thành đạt là người phụ nữ thành công!
Nếu bạn đến thăm trường CĐSP Lạng Sơn vào những ngày hè oi ả, chắc bạn sẽ cảm nhận được không gian khá yên tĩnh ở một trường chuyên nghiệp thuộc vùng biên cương của Tổ quốc. Vào thời gian này, mọi người đang cùng nhau đi du lịch hay nghỉ hè với gia đình hoặc bạn bè cùng trang lứa. Bạn thật ngỡ ngàng khi thấy văn phòng Tổ Tâm lý học - Giáo dục học vẫn mở, một người phụ nữ hơn năm mươi tuổi vẫn ngồi cặm cụi bên máy tính soạn bài, trăn trở cho những kế hoạch và lộ trình hoạt động của cá nhân và đơn vị trong năm học tới. Đó là cô giáo Đặng Thị Tuyết Nhung, cô có dáng người nhỏ nhắn, trang phục giản dị nhưng vẫn toát lên một vẻ đẹp kiều diễm ẩn sâu trong đôi mắt bồ câu mà không phải ai cũng có được.
Chị Nhung - hãy cho chúng tôi gọi cô như vậy cho thân mật - sinh ra và lớn lên ở huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, vùng đất khô cằn sỏi đá, miền quê nghèo yên tĩnh như bao miền quê yêu dấu của đất nước Việt Nam. Đi theo tiếng gọi của tình yêu và vẻ đẹp thơ mộng của Xứ Lạng đã làm cho cô nữ sinh tóc dài năm nào ngất ngây với men rượu Mẫu Sơn, câu Si, câu Lượn mà từ đó chị Nhung đã coi Lạng Sơn là quê hương thứ hai của mình. Tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội năm 1981, chị Nhung theo chồng lên Lạng Sơn công tác tại trường THSP nay là trường CĐSP. Trường THSP Lạng Sơn lúc đó còn nhiều khó khăn, ngôi trường hoang sơ nằm trên một quả đồi vắng lặng -  hậu quả của chiến tranh để lại. "Chỉ có ai dũng cảm lắm mới đủ nghị lực để lên đây sinh sống và làm việc" - nghe những lời tâm sự của các cô giáo miền xuôi lên đây công tác. Cuộc sống của giáo viên lúc đó còn khó khăn,vất vả, chị Nhung phải cùng chồng vừa nuôi lợn, quấn thuốc lá, may quần áo bán lấy tiền nuôi con, bảo tồn được cuộc sống gia đình, với phương châm "lấy ngắn nuôi dài" giống như bao thầy cô giáo khác ở khu tập thể của Nhà trường.... Cuộc sống thật đạm bạc, vậy mà thỉnh thoảng lại nghe thấy tiếng súng "đùng, đoàng" nơi biên giới Việt - Trung đe dọa. Những lúc rỗi rãi, Chị thường kể cho chúng tôi nghe về kỷ niệm chồng Chị - lúc đó đang là Bí thư Đoàn trường mải đi đào hầm trú ẩn cho sinh viên, mọi người chạy Tàu, hai mẹ con Chị không chạy được trong cảnh bom đạn của chiến tranh. Chị nói với chúng tôi: "Các em sướng thật, sống trong thời bình có nhiều cơ hội, hãy tận dụng cơ hội mà tỏa sáng các em nhé". Câu nói của Chị cứ thấm dần trong tâm trí tôi, tạo cho tôi một động lực mà  học tập, mà vươn lên.
Trải qua tháng năm, Chị đã sinh hạ và nuôi dưỡng được hai người con trai thông minh, tuấn tú, khỏe mạnh. Chị luôn là chỗ dựa vững chắc, là nguồn động viên cho gia đình. Những lúc chồng đi học xa, Chị luôn là bến đỗ bình yên, con cái yên tâm học tập. Tuy vậy, công việc của Nhà trường lúc nào cũng được hoàn thành chu toàn. Chị là người lãnh đạo luôn thử sức với cái mới, đương đầu với những thử thách và dám chịu trách nhiệm, là người thuyền trưởng biết lái con tàu đi đến bến đỗ bình yên. Chị yêu công việc dạy học của mình như yêu màu áo tím mà chị mang trên mình vậy. Chị Nhung yêu sự nghiệp học hành, quyết tâm đi học Thạc sỹ khi đã gần năm mươi tuổi. Ở tuổi của chị, những người phụ nữ khác đã bằng lòng với cuộc sống, yên bề gia thất, không còn nghĩ đến việc học tập để nâng cao trình độ chuyên môn - nghiệp vụ. Chị không ngại học, ngại khó, ngại khổ và không giấu dốt. Những buổi tối, lúc rỗi rãi, Chị thường nhờ các thành viên trong đơn vị hướng dẫn học môn Tiếng Anh. Chúng tôi thường nói đùa "Sau khi bảo vệ luận văn Thạc sỹ chắc Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng chị danh hiệu Thạc sỹ tốt nghiệp ở độ tuổi cao nhất và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".
Thời gian thấm thoát thoi đưa, giờ đây chị Nhung đã lên chức bà nội, Chị đã ở cái tuổi ngũ tuần. Là phu nhân của một lãnh đạo giữ cương vị cao ngành Giáo dục tỉnh Lạng Sơn, Chị vẫn yêu những công việc thường nhật của mình. Chị luôn thắp lửa cho đồng nghiệp, tạo cho chúng tôi niềm tin vào bản thân và công việc. Ngọn lửa ấy còn sưởi ấm cho tổ ấm của Chị. Sống trong một gia đình truyền thống, Chị luôn nhận thức được trách nhiệm của người con, người vợ, người mẹ và người bà trong gia đình. Những bữa cơm truyền thống của làng quê Việt Nam luôn được trưng bày trên mâm cơm gia đình, đó là bát canh cua, cà pháo, muối lạc, tôm kho nhờ tài nghệ nấu ăn của chị…Điều này tạo nên sự khác biệt trong cuộc sống hiện đại - thời đại "shopping" mọi thứ đều có được nhờ mua sắm. Ngày hai buổi chợ, khi thì mua biếu bố chồng thứ này, khi thì mua cho chồng, con cháu thứ kia. Chị lo cho gia đình mình đã đành, chị dành số tiền làm thêm cung cấp cho các cháu bên nội, bên ngoại, động viên các cháu học hành tấn tới. Chị vẫn luôn quan tâm tới công tác công đoàn, tổ chức sinh nhật cho đoàn viên, Tết Trung Thu, có quà Tết Thiếu nhi cho các cháu là con em của giảng viên trong đơn vị, đưa các gia đình đi nghỉ mát. Mỗi dịp hè về, các cháu rất phấn khởi được đi nghỉ mát cùng đồng nghiệp của bố mẹ, được vui chơi trong những ngày hè thú vị. Mặc dù bận rộn, thế nhưng ngày nắng cũng như ngày mưa, buổi sáng cũng như buổi chiều, Chị đều đi làm đúng giờ, động viên chúng tôi tham gia những hoạt động tập thể như văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Chúng tôi thường nói đùa "Sếp coi trường là nhà mình rồi, sau này sếp về hưu ai mà noi gương sếp được". Chị nhìn chúng tôi  mỉm cười đôn hậu "Chị quen chân rồi các em ạ, một ngày không đến Trường là chị cảm thấy nhớ trường vô cùng, chị yêu Trường như ngôi nhà của mình, ở nơi này đã cho chị biết bao kỷ niệm vui buồn".
 Được làm việc với Chị, chúng tôi thật yên tâm. Chị chỉ bảo cho chúng tôi từng ly, từng tí một, từ việc ăn mặc cho đến công tác chuyên môn, cuộc sống gia đình. Chị thường nói với chúng tôi "Chị thích làm công tác chuyên môn, yêu nghề dạy học vì vậy Chị quyết tâm thực hiện đến cùng dù có khó khăn, gian khổ đến đâu đi chăng nữa miễn là đem lại niềm vui cho học trò". Tôi thích thú nhất là được làm việc bên một người lãnh đạo có năng lực chuyên môn vững vàng, tâm huyết với nghề và tự tin vào chính khả năng của mình. Từ việc thiết kế giáo án điện tử, viết bài giảng, xây dựng chương trình chi tiết học phần, đổi mới phương pháp dạy học, nghiên cứu khoa học, rèn kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên… đơn vị luôn được chỉ đạo, tổ chức kịp thời theo đúng lộ trình: hội thảo, tiến hành thực hiện, kiểm tra, đánh giá rút kinh nghiệm, điều chỉnh. Chính vì vậy, đơn vị chúng tôi luôn đi đầu trong công tác chuyên môn - nghiệp vụ của trường CĐSP Lạng Sơn. Chúng tôi luôn vững tâm thực hiện những gì đã trao đổi, thảo luận mà không do dự, khó khăn. Với  hành trang kiến thức vững vàng về Tâm lý học, Giáo dục học, Quản  lý giáo dục, Chị hiểu được tâm tư, nguyện vọng của đồng nghiệp, biết nhu, biết cương khi cần thiết, biết "dùng người" trong chiến lược lãnh đạo. Trong Nhà trường ai cũng khen đơn vị tôi là một tập thể có nhiều người xuất sắc. Bản thân tôi luôn nghĩ rằng nhờ có Chị - Người thủ lĩnh tài ba đã khơi gợi và sử dụng đúng người, đúng việc mới thể hiện được sức mạnh, tiềm năng của từng thành viên cũng như của tập thể. Đó là một nghệ thuật trong quản lý và lãnh đạo, thật là "biết người biết ta trăm trận trăm thắng".
Mỗi khi Chị lên lớp giảng bài cho giảng viên mới hay cho sinh viên về nhân cách người giáo viên thì tâm huyết nghề nghiệp của chị lại được bộc lộ và bùng lên dữ dội. Những lời nói của Chị không phải ở đâu đó xa xôi mà được toát lên từ chính tài năng và tấm lòng của Chị, bằng những hành động, việc làm thực đã để lại ấn tượng cho người nghe một cảm giác khó rời. Viết thêm cho sinh viên một nốt nhạc về bài ca sư phạm, lòng yêu thương con người, yêu ngành nghề mà các em đã lựa chọn. Nếu ai đó được nghe Chị giảng bài một lần về nghề Dạy học tôi chắc chắn rằng mọi người chưa yêu cũng phải yêu, đã yêu rồi thì càng yêu hơn nghề Dạy học, nghề "trồng người", nghề "dùng nhân cách để giáo dục nhân cách".
Chị còn là giảng viên cốt cán về đổi mới  phương pháp dạy học của trường CĐSP Lạng Sơn, tổ Tâm lý học - Giáo dục học trở thành đơn vị có bề dày thành tích với gần chục năm liền đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc; 3 lần được Ủy ban nhân dân Tỉnh Lạng Sơn tặng Bằng khen; 50% - 60% giảng viên đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở, cấp Tỉnh; hơn 90% giảng viên trong đơn vị có trình độ Thạc sỹ, Chị đã 10 năm liền đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở và 3 năm  đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp Tỉnh. Năm 2009, chị được bình bầu là Tấm gương điển hình tiêu biểu của ngành Giáo dục Lạng Sơn trong cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". 5 năm liền (2006 - 2011) được Đảng bộ Sở Giáo dục - Đào tạo khen thưởng vì đã đạt danh hiệu Đảng viên tiêu biểu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chị và Đơn vị được Ủy ban nhân dân Tỉnh tặng Bằng khen vì đã đạt thành tích xuất sắc trong công tác Xây dựng và phát triển trường CĐSP Lạng Sơn giai đoạn 2006 - 2010 và danh hiệu Nữ nhà giáo tiêu biểu năm học 2012 - 2013. Tự hào hơn, duy nhất Chị đại diện cho ngành Giáo dục và Đào tạo Lạng Sơn được tặng Bằng khen của Công đoàn Ngành Giáo dục Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào Giỏi việc nước đảm việc nhà giai đoạn 2010- 2012.
Nhân vật mà chúng tôi kể chắc phần nào bạn đọc đã biết  được Quý danh. Đó chính là cô giáo Đặng Thị Tuyết Nhung - Bí thư Chi bộ các tổ Trực thuộc, tổ trưởng Tổ Tâm lý học - Giáo dục học, trường CĐSP Lạng Sơn. Cô là bông hoa đồng nội mãi mãi toả ngát hương. Cô đã thực sự thành công bên người chồng thành đạt, xứng đáng là tấm gương tiêu biểu trong phong trào "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo". Giờ đây với những phẩm chất đạo đức đã có của mình "Tự tin, Tự trọng, Trung hậu, Đảm đang", cô xứng đáng là tấm gương cho đồng nghiệp và học sinh sinh viên. Kính chúc cô mãi mãi hạnh phúc bên người chồng thành đạt.

Nguồn tin: Tổ Tâm lí học - Giáo dục học

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Array
(
    [type] => 2
    [message] => file_put_contents(/22-01-2025_5fdaaea3377502bdec7fd88c568523d2.log): failed to open stream: Permission denied
    [file] => /var/www/nvlce2016/vendor/vinades/nukeviet/Core/Error.php
    [line] => 593
)