Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Sử dụng bài tập trong giảng dạy học phần Giao tiếp sư phạm mầm non ở trường CĐSP Lạng Sơn

Thứ năm - 16/11/2017 08:02
Tóm tắt: Sử dụng bài tập trong dạy học giúp củng cố, khắc sâu, hệ thống hóa lý thuyết, đặc biệt là rèn kỹ năng thực hành cho người học. Bài viết phân tích các dạng bài tập trong giảng dạy học phần Giao tiếp sư phạm mầm non; đồng thời xây dựng, sử dụng các dạng bài tập trong giảng dạy học phần Giao tiếp sư phạm mầm non ở Trường CĐSP Lạng Sơn trong giai đoạn hiện nay, góp phần phát triển kỹ năng giao tiếp, ứng xử nói chung và giao tiếp, ứng xử cho sinh viên Sư phạm mầm non nói riêng.
1. Đặt vấn đề
Khi đề cập đến tính chất đặc thù và vai trò của giao tiếp, nhà Tâm lý học I.C.VAPILIC đã viết: “Giao tiếp với mọi người là một nghệ thuật mà không phải ai cũng nắm bắt được, bất kỳ ai cũng phải học điều đó” [4,tr 2]. Với nghề dạy học, tính nghệ thuật trong giao tiếp càng đòi hỏi yêu cầu cao hơn, vì đây là một nghề "sáng tạo" trong những nghề sáng tạo, nghề mà nhà giáo dục K.Đ.Usinxki đã khẳng định “dùng nhân cách để giáo dục nhân cách”. Điều đó lại có ý nghĩa đặc biệt hơn với giáo viên mầm non, bởi đối tượng lao động của họ rất đặc thù, trẻ em từ 3 tháng đến 6 tuổi. Đây là thời kỳ nhân cách mới bắt đầu hình thành, lứa tuổi rất nhạy cảm với những tác động bên ngoài, mọi hành vi của trẻ do xúc cảm, tình cảm chi phối...Vì vậy, Chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non đã chỉ rõ: Giáo viên mầm non cần có kỹ năng giao tiếp, ứng xử với trẻ, đồng nghiệp, phụ huynh và cộng đồng. Bao gồm các tiêu chí sau: Có kỹ năng giao tiếp, ứng xử với trẻ một cách gần gũi, cởi mở; Có kỹ năng giao tiếp, ứng xử với đồng nghiệp một cách chân tình, cởi mở, thẳng thắn; gần gũi, tôn trọng và hợp tác trong giao tiếp, ứng xử với cha mẹ trẻ; giao tiếp, ứng xử với cộng đồng trên tinh thần hợp tác, chia sẻ [1, tr4]. Do đó, sinh viên sư phạm mầm non cần được trang bị kiến thức, kỹ năng giao tiếp, ứng xử  sư phạm nói chung và giao tiếp, ứng xử với trẻ ngay từ khi học tập, rèn luyện trong môi trường sư phạm.
Qua các thực tế, thực tập của sinh viên, chúng tôi nhận được ý kiến phản hồi từ các các cơ sở đều có chung nhận xét: Phần lớn sinh viên chưa linh hoạt, chưa tự tin trong giao tiếp với “đồng nghiệp” và phụ huynh; vụng về, lúng túng khi xử lý tình huống trong chăm sóc và giáo dục trẻ. Từ thực trạng đó về giao tiếp, ứng xử sư phạm đã làm cho không ít sinh viên gặp khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả công việc, gây cản trở trong việc trau dồi tri thức nghề nghiệp.
  Việc hình thành, rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho sinh viên mầm non được thực hiện lồng ghép trong giảng dạy các học phần trong chương trình đào tạo, trong việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, Đoàn, Hội. Học phần Giao tiếp sư phạm mầm non với mục tiêu trang bị cho sinh viên một số vấn đề chung về giao tiếp sư phạm nói chung, giao tiếp với trẻ em mầm non nói riêng; đồng thời rèn luyện kỹ năng tìm hiểu, phân tích, phán đoán, xử lí các tình huống trong hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ cũng như các mối quan hệ với đồng nghiệp và phụ huynh trong công tác phối kết hợp giáo dục. Qua đó giáo dục lòng yêu nghề, mến trẻ, có cách cư xử, giao tiếp  sư phạm đúng mực, góp phần quan trọng vào việc hình thành và hoàn thiện nhân cách người giáo viên tương lai.
Tuy nhiên, qua giảng dạy học phần, chúng tôi nhận thấy số lượng câu hỏi, bài tập trong giáo trình còn khá khiêm tốn, chưa phong phú về thể loại, việc sắp xếp chưa hệ thống, phần nào ảnh hưởng đến rèn kỹ năng giao tiếp sư phạm cho sinh viên. Các câu hỏi, bài tập chủ yếu giúp sinh viên ghi nhớ, hệ thống hoá kiến thức, chưa phát huy cao độ tính tích cực học tập của người học. Trong mỗi bài học không có các tình huống "giả định" để sinh viên được trải nghiệm, được rèn luyện kỹ năng, học đi đôi với hành. Do vậy, xây dựng hệ thống bài tập phù hợp, giúp sinh viên có kỹ năng vận dụng lý luận trong giao tiếp ứng xử là vấn đề cấp thiết và tất yếu. Giúp sinh viên được "trải nghiệm" qua giải bài tập, được hóa thân trong các vai diễn, được củng cố, khắc sâu kiến thức lý luận về giao tiếp sư phạm mầm non trong mỗi bài học, mỗi buổi lên lớp. Vì lẽ đó “Sử dụng bài tập trong giảng dạy học phần Giao tiếp sư phạm mầm non ở Trường CĐSP Lạng Sơn” là việc làm có ý nghĩa thiết thực, góp phần phát triển kỹ năng giao tiếp sư phạm cho sinh viên nói riêng, chất lượng đào tạo nói chung.
2. Nội dung
2.1. Vai trò của giải quyết các bài tập trong giảng dạy học phần Giao tiếp sư phạm mầm non
Chúng ta biết rằng, với mỗi sinh viên trong quá trình học tập ở bậc Cao đẳng, Đại học thì việc giải các bài tập có ý nghĩa quan trọng. Qua giải bài tập làm chính xác hoá những khái niệm, thuật ngữ khoa học; củng cố, khắc sâu và mở rộng kiến thức đã học, giúp sinh viên lĩnh hội kiến thức một cách sâu sắc. Việc giải bài tập giúp sinh viên ôn tập, hệ thống hoá tri thức một cách tích cực, rèn luyện khả năng vận dụng lý luận vào thực tiễn đời sống. Có thể nói, bài tập vừa là mục đích, vừa là nội dung, vừa là phương pháp dạy học hiệu quả. Bài tập không chỉ cung cấp cho sinh viên tri thức khoa học, con đường giành lấy tri thức đó, mà còn mang lại cho người học trạng thái hưng phấn, hứng thú nhận thức trong quá trình khám phá, tìm ra đáp số. Việc giải bài tập cũng là bước đầu tiên trong rèn kỹ năng, tư duy khoa học, chuẩn bị tiềm năng cho sinh viên trong quá trình chiếm lĩnh tri thức. Bởi quá trình giải bài tập đòi hỏi sinh viên phải sử dụng vốn kiến thức đã học để lập luận, phân tích, chứng minh những yêu cầu đặt ra, qua đó tri thức lý luận một lần nữa được củng cố, khắc sâu.
Với học phần Giao tiếp sư phạm mầm non nằm trong chương trình đào tạo sinh viên sư phạm mầm non thì việc xây dựng bài tập rất cần thiết. Bài tập là phương tiện chủ yếu để hình thành, rèn kỹ năng giao tiếp cho sinh viên. Không có bài tập, không có quá trình luyện tập thì kỹ năng sẽ khó hình thành. Nói như vậy không có nghĩa sinh viên phải học thuộc lòng các kỹ năng để giải quyết tình huống; trái lại, sinh viên cần linh hoạt và sáng tạo, khéo léo và mềm dẻo có như vậy mới đạt hiệu quả tối ưu trong giao tiếp. Bên cạnh đó, đòi hỏi sinh viên phải phân tích, tổng hợp, phán đoán nghĩa là phải sử dụng những thao tác tư duy để giải quyết các tình huống đặt ra. Quá trình ấy làm cho khả năng tư duy của sinh viên trở nên nhạy bén, sáng tạo hơn, giải quyết vấn đề nhanh hơn, thấu đáo hơn. Mặt khác, nhờ việc giải quyết các tình huống sư phạm, hứng thú học tập, niềm đam mê trong lĩnh hội tri thức của sinh viên được nâng cao. Ngoài ra, sử dụng câu hỏi, bài tập là biện pháp có hiệu quả để sinh viên ôn tập, củng cố, kiểm tra, hệ thống hoá và vận dụng kiến thức; qua đó mối liên hệ ngược thường xuyên giữa thầy và trò được hình thành, giúp giáo viên điều khiển, điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học cho phù hợp. Qua kiểm tra bằng bài tập, giúp giáo viên đánh giá khả năng nhận thức của sinh viên được dễ dàng.
Với thời lượng 30 tiết, các chương, bài trong học phần không nhiều nhưng hàm lượng kiến thức, thuật ngữ, khái niệm và các kỹ năng cần hình thành cho sinh viên thì không nhỏ so với mục tiêu của học phần. Chúng tôi thấy lượng câu hỏi, bài tập còn khá khiêm tốn, chưa phong phú về thể loại, việc sắp xếp chưa hệ thống. Câu hỏi mang tính tái hiện kiến thức đã học, chưa có tình huống để sinh viên được rèn kỹ năng giao tiếp. Điều đó làm cho quá trình lĩnh hội tri thức cũng như rèn kỹ năng cho sinh viên gặp khó khăn, sinh viên ít có cơ hội được khám phá, trải nghiệm, tìm tòi và tích lũy tri thức. Vì vậy, việc xây dựng hệ thống bài tập để sinh viên được vận dụng, củng cố khắc sâu tri thức lý luận về giao tiếp sư phạm với công tác chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non là vấn đề có ý nghĩa thiết thực. Đó cũng là biện pháp để thực hiện nội dung nguyên lý giáo dục: Học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn.
2.2. Phân loại và hướng dẫn cách giải bài tập trong giảng dạy học phần Giao tiếp sư phạm mầm non
Dựa trên lý luận chung về bài tập và mục tiêu, nội dung chương trình giảng dạy học phần Giao tiếp sư phạm mầm non, chúng tôi đưa ra các dạng bài tập, kèm theo hướng dẫn cách giải sau:
2.2.1. Loại bài tập có tính chất lý thuyết
Dạng bài tập có tính chất lý thuyết bao gồm: Phân tích, chứng minh những luận điểm về giáo dục của các nhà Tâm lý học, Giáo dục học…Cách làm dạng bài này cần dựa vào phương pháp làm văn chứng minh và giải thích. Sinh viên cần làm sáng tỏ tính đúng, sai; trình bày tiền đề lý luận, trên cơ sở đó để bác bỏ luận điểm trái ngược.
Ví dụ: Trong quá trình giao tiếp với trẻ hài nhi, người lớn luôn coi trọng việc tạo ra môi trường ngôn ngữ tốt đẹp. Có hai ý kiến khác nhau về vấn đề trên: Ý kiến thứ nhất cho rằng, khi dạy trẻ nói người lớn nên sử dụng loại ngôn ngữ trẻ hay dùng như "măm măm" (ăn), "ơm ơm" (cơm)...Vì loại ngôn ngữ này là từ ngữ sinh động, có tình cảm, giúp trẻ hứng thú phát âm. Ý kiến thứ hai cho rằng, ngôn ngữ là công cụ giao lưu tư tưởng, tình cảm của con người, là cơ sở tiếp thu giáo dục. Cho nên cần chủ động tạo môi trường ngôn ngữ chính xác để dạy trẻ, giúp trẻ phát triển ngôn ngữ.
Hãy cho biết ý kiến của bản thân về vấn đề trên và giải thích. Theo em, các bậc cha mẹ cần làm gì để tạo môi trường ngôn ngữ tốt đẹp cho trẻ?
Ngoài ra, dạng bài tập đòi hỏi phân loại, xếp loại các vấn đề lý thuyết đã học. Để làm bài tập đó, sinh viên cần nắm vững lý luận chung về giao tiếp, giao tiếp sư phạm, giao tiếp sư phạm mầm non để phân tích, xếp theo nội dung tương ứng.
Vi dụ: Cô Loan, giáo viên thực tập tại lớp mẫu giáo lớn. Cô vào lớp nét mặt vui vẻ, niềm nở : “Cô chào các con” để làm quen với lớp. Cả lớp đồng thanh: “Chúng con chào cô ạ !”. Cháu Lâm, mặt lầm lì, ngồi im một lúc rồi nói với bạn bên cạnh: “Chị thôi. Em chào chị!”, “Chị ấy ở trọ cạnh nhà tớ, tớ vẫn gọi là chị mà”. Sau đây có ba cách ứng xử:
- Yêu cầu cháu Lâm đứng lên và chào cô, vì cô là cô giáo nên cháu phải chào cô, không được gọi là chị. Nếu không cô sẽ phạt đứng góc tường, không được chơi cùng các bạn.
- Cô coi như không nghe thấy gì và tiếp tục trò chuyện với cả lớp. Cuối giờ cô nói với cháu Lâm cháu gọi thế nào cũng được nhưng Lâm phải ngoan và nghe lời “chị” nhé.
- Cô vui vẻ giới thiệu tên mình với cả lớp và kể cho trẻ nghe; Hồi bé cô cũng ở gần nhà cô giáo của cô, ở nhà cô cũng gọi cô giáo là chị, nhưng khi đến lớp cả lớp chào bằng cô nên cô cũng chào là cô như các bạn trong lớp. Cô rất ngoan phải không cả lớp.
a. Hãy lựa chọn phương án thể hiện phong cách độc đoán trong giao tiếp của cô giáo trong tình huống trên và giải thích.
          b. Cho biết bản chất và ưu, nhược điểm của phong cách độc đoán trong giao tiếp sư phạm.
          c. Nếu là cô giáo trong tình huống trên em sẽ xử lý như thế nào? Giải thích về cách xử lý đó.
2.2.2. Loại bài tập vận dụng lý thuyết để giải quyết những vấn đề trong giao tiếp (bài tập tình huống)
Ví dụ: Bé Thuỳ Linh thông minh, nhanh nhẹn và hay bắt chước những hành vi, cử chỉ của cô giáo. Hôm nay, trong giờ đọc thơ, khi cô Hương gọi các cháu đọc bài đều không thuộc. Thấy vậy cô không hài lòng, ngồi vắt chân lên nhau và lấy thước gõ xuống bàn, cô quát: Sao dốt thế? Có mấy câu mà cũng không thuộc! Đến giờ chơi, cô Hương thấy bé Thuỳ Linh đóng vai “cô giáo” ở nhóm phân vai, cũng ngồi vắt chân, lấy thước gõ lên bàn và quát các “học sinh” của mình giống như cô đã làm. Theo em, cô Hương đã không đảm bảo yêu cầu của nguyên tắc giao tiếp sư phạm nào? Hãy giải thích. Nếu là cô Hương, em sẽ xử lí như thế nào khi bé Thuỳ Linh làm như vậy?
Với các dạng bài tập này, chúng tôi hướng dẫn sinh viên dựa trên sơ đồ giải những bài toán của G.Polia (nhà toán học, nhà Giáo dục học Mĩ), thực hiện theo quy trình như sau:
Bước 1. Nghiên cứu các dữ kiện đã cho trong tình huống, xác định dữ kiện quan trọng, chủ yếu.
- Xác định đối tượng giáo dục và chủ thể giáo dục được đề cập trong tình huống sư phạm và những thuộc tính, phẩm chất cơ bản của họ.
- Phân tích những hoàn cảnh cụ thể cùng với nhưng hiện tượng, sự kiện hành động sư phạm, vạch ra những mối liên hệ, quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa chúng.
Bước 2. Xác định vấn đề cần giải quyết chứa đựng trong tình huống đó.
Bước 3. Xác định các nguyên nhân và đặt ra các cách giải quyết.
Bước 4. Chọn một phương án giải quyết tốt nhất trong các phương án trên giả thuyết và chứng minh giả thuyết.
Bước 5. Khẳng định giả thuyết đúng, rút ra bài học kinh nghiệm.
2.2.3. Loại bài tập đóng vai
Đóng vai là phương pháp giáo viên tổ chức cho người học thực hành cách ứng xử trong một tình huống sư phạm giả định. Qua đó gây hứng thú và sự chú ý cho người học; rèn tính mạnh dạn, sự tự tin trong giao tiếp. Đồng thời, giúp sinh viên thực hành những kĩ năng trong môi trường an toàn, được “giám sát” trước khi xảy ra các tình huống thực. Mặt khác, đóng vai là một trong những cách để sinh viên tiếp cận, lĩnh hội kiến thức, vận dụng một cách nhẹ nhàng không gò ép nhưng kết quả thật tuyệt vời để đi đến hành động đúng, làm cho không khí lớp học sôi nổi, giờ học trở nên hấp dẫn.
Ví dụ: Xây dựng tình huống thể hiện nội dung của nguyên tắc: Hãy thoả mãn hợp lí những nhu cầu cơ bản cho trẻ mầm non và thể hiện nội dung tình huống bằng một tiểu phẩm.
Để phương pháp đóng vai có hiệu quả, chúng tôi hướng dẫn sinh viên thực hiện theo bốn bước:
Bước 1. Giáo viên giới thiệu hoặc sinh viên tự xây dựng tình huống, phân công sắm vai.
Bước 2. Sinh viên thể hiện kịch bản (tình huống)
Bước 3. Sinh viên nhận xét rút ra bài học.
Bước 4: Giáo viên nhận xét, đánh giá
Như vậy, có nhiều dạng bài tập khác nhau trong giảng dạy học phần Giao tiếp sư phạm mầm non, dù phân chia như thế nào thì mục đích cuối cùng là qua giải các bài tập rèn kỹ năng giao tiếp nói chung và giao tiếp sư phạm nói riêng cho sinh viên.
2.3. Xây dựng và sử dụng bài tập trong giảng dạy học phần Giao tiếp sư phạm mầm non cho sinh viên trường CĐSP Lạng Sơn
2.3.1. Xây dựng hệ thống bài tập học phần Giao tiếp sư phạm mầm non
* Quy trình xây dựng bài tập
Với mục đích biên soạn hệ thống bài tập đa dạng, có thể sử dụng được trong các khâu của quá trình dạy học, chúng tôi xây dựng theo quy trình sau:
Bước 1: Xác định mục tiêu xây dựng bài tập. Mục tiêu giúp sinh viên nắm vững kiến thức, rèn luyện kỹ năng giao tiếp sư phạm, nâng cao chất lượng dạy học bộ môn.
Bước 2: Xác định kiến thức cần củng cố, khắc sâu và kỹ năng dạy học cần hình thành, đó là cơ sở để xây dựng hệ thống bài tập.
Bước 3: Xác định các loại bài tập, phù hợp với từng đơn vị kiến thức.                                                                                      
Bước 4: Xác định nguồn tài liệu để xây dựng bài tập.                                        
Bước 5: Tiến hành xây dựng hệ thống bài tập đáp ứng mục tiêu đặt ra.
Bước 6: Sử dụng bài tập trong giảng dạy học phần Giao tiếp sư phạm mầm non và đánh giá kết quả học tập của sinh viên.
* Kết quả đạt được (được mô tả trong sáng kiến Xây dựng hệ thống bài tập trong dạy học học phần giao tiếp sư phạm mầm non)
  Dựa vào quy trình, cách phân loại trên đây và để thuận tiện trong giảng dạy, học tập, chúng tôi sắp xếp bài tập sau mỗi chương của học phần.
Bảng thống kê số liệu bài tập đã xây dựng
Chương Bài tập có
tính chất lý thuyết
Bài tập tình huống Bài tập
sắm vai
Cộng
1 6 8 5 19
2 8 7 8 23
3 8 10 7 25
 
2.3.2. Sử dụng bài tập trong giảng dạy học phần Giao tiếp sư phạm mầm non cho sinh viên Trường CĐSP Lạng Sơn
Trên cơ sở bài tập đã biên soạn, chúng tôi áp dụng giảng dạy ở chương 2 học phần Giao tiếp sư phạm mầm non, vì đây là chương có sự phân bổ thời lượng nhiều nhất. Trong quá trình lên lớp, chúng tôi sử dụng phương pháp nêu vấn đề, định hướng cho sinh viên trao đổi, thảo luận, tìm hiểu nội dung bài học. Đồng thời, sử dụng đan xen với các bài tập tình huống dưới dạng trắc nghiệm giúp sinh viên hứng thú, tích cực trong giờ học. Với cách làm đó, giáo viên nhanh chóng thu nhận được thông tin ngược để kịp thời điều chỉnh quá trình dạy học đạt hiệu quả tối ưu.
  Ví dụ, khi dạy nội dung “những nguyên tắc giao tiếp, ứng xử giữa giáo viên và trẻ em”, chúng tôi đặt câu hỏi: Hiểu thế nào là nguyên tắc? Nguyên tắc giao tiếp sư phạm? Nguyên tắc giao tiếp, ứng xử giữa giáo viên và trẻ em? Tại sao giáo viên mầm non cần phải yêu thương trẻ như con, em của mình? Dựa vào đâu để khẳng định giáo viên mầm non “yêu thương trẻ như con, em của mình”...Tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần sử dụng phương pháp đàm thoại, nêu và giải quyết vấn đề, khó có thể duy trì hứng thú học tập thực sự cho sinh viên. Vì thế chúng tôi sử dụng bài tập, tình huống đã xây dựng để sinh viên trao đổi, thảo luận. Qua đó, sinh viên như được đặt mình vào cương vị hoạt động nghề nghiệp trong tương lai, các thao tác trí tuệ được rèn luyện... Đồng thời, sinh viên được quan sát trích đoạn video về việc thực hiện nguyên tắc trong giao tiếp giữa giáo viên với trẻ mầm non. Một lần nữa sinh viên được khắc sâu lý thuyết đã học, đưa ra ý kiến của bản thân trong việc xử lý các tình huống.
Dạng bài tập cuối cùng mà chúng tôi sử dụng với mục đích tạo cơ hội cho sinh viên được thực hành rèn luyện kỹ năng ở mức độ sơ giản. Sinh viên đóng vai, diễn xuất trong tình huống giả định, qua đó rèn khả năng điễn đạt, kỹ năng xây dựng và xử lý tình huống sư phạm, sinh viên được thể hiện sự hiểu biết của bản thân. Đó chính là tính thực tiễn, học để làm qua các bài tập mà chúng tôi trăn trở xây dựng. Sự tranh luận sôi nổi trước mỗi tình huống sư phạm, làm cho không khí lớp học như “nóng lên”, tạo động lực thúc đẩy sinh viên khát khao trong sự tìm tòi, chiếm lĩnh tri thức. Đặc biệt, qua các vai diễn sinh viên như được thể hiện cảm xúc, thái độ, tâm trạng của mình, được “hóa thân” trong các nhân vật của tình huống làm cho tiết học trở nên hấp dẫn, sinh động. Việc vận dụng các bài tập được lồng ghép trong các khâu của quá trình lên lớp, từ việc học lý thuyết đến các tiết thực hành. Tổ chức cho sinh viên giải bài tập tạo môi trường học tập dân chủ, cởi mở, thiện chí, khuyến khích sáng kiến cá nhân và ý thức tập thể. Sinh viên như “già dặn” hơn khi huy động những kiến thức về tâm lý học, giáo dục học và kiến thức chuyên ngành cũng như kinh nghiệm bản thân để bảo vệ ý kiến bản thân. Điều này cho thấy kiến thức môn học và các bài tập đưa ra ít nhiều đã có ý nghĩa, thúc đẩy người học tìm tòi vận dụng kiến thức, kinh nghiệm để giải quyết nhiệm vụ học tập.
3. Kết luận
Qua nghiên cứu “Sử dụng bài tập trong giảng dạy học phần Giao tiếp sư phạm mầm non ở Trường CĐSP Lạng Sơn", chúng tôi rút ra kết luận sau:
  Rèn luyện kỹ năng giao tiếp sư phạm cho sinh viên nói chung, sinh viên chuyên ngành Giáo dục mầm non nói riêng là việc làm rất quan trọng và cần thiết. Để thực hiện nhiệm vụ đó, trước hết sinh viên cần nắm vững những vấn đề lý luận cơ bản về giao tiếp sư phạm, đặc biệt giao tiếp giữa giáo viên với trẻ mầm non. Những tri thức lý luận đó một lần nữa sẽ được củng cố, khắc sâu, được khái quát khi sinh viên vận dụng trong mỗi bài học, mỗi tình huống cụ thể. Qua sử dụng các bài tập, sinh viên được suy nghĩ nhiều hơn, trao đổi nhiều hơn, hoạt động nhiều hơn, thu được kết quả thực nhiều hơn, điều mà mỗi giảng viên đều mong muốn trong nghề nghiệp của mình. Đó cũng là tâm huyết và sự thành công của bản thân trong quá trình giảng dạy học phần.
Mặc dù việc áp dụng chưa nhiều, song với hệ thống bài tập sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề trong trường sư phạm, bồi dưỡng lòng yêu nghề, tạo lập mối quan hệ gần gũi, gắn bó giữa thầy và trò, là tiền đề giúp sinh viên nâng cao chất lượng, hiệu quả trong các đợt thực tập sư phạm. Để có hệ thống bài tập phong phú, sinh động, mỗi giảng viên cần có thói quen nghiên cứu, sưu tầm từ tình huống thực, hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng, phù hợp với nội dung, góp phần thực hiện mục tiêu của học phần.
          Trong thời đại ngày nay, khi khối lượng kiến thức tăng lên mỗi ngày thì việc hình thành năng lực tự học cho sinh viên ở các trường Cao đẳng, Đại học lại càng có ý nghĩa. Đòi hỏi sinh viên phải được sống thực sự trong các tình huống phong phú, đa dạng; được khám phá, trải nghiệm qua các bài tập. Dạy và học học phần Giao tiếp sư phạm mầm non thông qua hệ thống các bài tập là sự thể hiện tích cực con đường học tập hiệu quả “học thông qua làm”. Với đặc trưng của môn học góp phần đắc lực cho việc hình thành các năng lực nghề cho sinh viên, đặc biệt là năng lực hiểu học sinh, năng lực thâm nhập vào đời sống tâm lý của trẻ mầm non thì xây dựng và sử dụng các bài tập chính là trao cho sinh viên “công cụ” để các em đạt được mục tiêu của môn học. 
          Thực tiễn nghiên cứu cho thấy trong giáo trình môn học, hệ thống bài tập chưa phong phú về thể loại, số lượng chưa nhiều, điều đó ít nhiều ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu của học phần. Qua quá trình giảng dạy, theo quy trình chặt chẽ, khoa học, chúng tôi nghiên cứu, sưu tầm, xây dựng hệ thống bài tập để vận dụng vào môn học. Việc sử dụng các bài tập được thực hiện thông qua nhiều khâu khác nhau trong tiến trình lên lớp với cách đặt vấn đề, trong các giờ luyện tập, thực hành, kiểm tra…Bước đầu đã mang lại kết quả nhất định và đó cũng là thành công trong quá trình giảng dạy môn học của chúng tôi.
          Tuy nhiên, kỹ năng giao tiếp sư phạm của người giáo viên còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vốn hiểu biết, trình độ văn hóa, kinh nghiệm sống, quá trình đào tạo và rèn luyện của mỗi cá nhân trong quá trình sống. Vì vậy, việc trang bị hệ thống bài tập cho sinh viên chỉ là khởi đầu, tạo dựng môi trường và cơ hội cho sinh viên mầm non được tập dượt trong nhà trường. Để phát triển kỹ năng giao tiếp, ứng xử của người giáo viên mầm non đòi hỏi sinh viên phải không ngừng trau dồi học hỏi trong quá trình học tập tại trường sư phạm cũng như thực tập, thực tế tại trường mầm non, đặc biệt là quá trình lao động sư phạm sau khi ra trường./.
 
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ GDĐT. Chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non. Ban hành kèm theo Quyết định số 02/2008/QĐ-BGD&ĐT, ngày 22/01/ 2008 của Bộ trưởng bộ GDĐT.
2. Ngô Công Hoàn. Giao tiếp và ứng xử sư phạm. NXB ĐHQG - HN, 1997
3. Ngô Công Hoàn. Nguyễn Thị Mai Hà. Tâm lí học trẻ em. NXBGD, 1996
4. Ngô Công Hoàn, Hoàng Anh. Giao tiếp sư phạm. NXB giáo dục, 2001
5. Nguyễn ánh Tuyết. Tâm lí học trẻ em. NXBGD 2004
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Hợi

Nguồn tin: Khoa Giáo dục Tiểu học

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Array
(
    [type] => 2
    [message] => file_put_contents(/24-11-2024_aef7d1e045161acecb8042e9fe75572f.log): failed to open stream: Permission denied
    [file] => /var/www/nvlce2016/vendor/vinades/nukeviet/Core/Error.php
    [line] => 593
)