Tuyển sinh 2021
Tuyển sinh 2021

Xây dựng và sử dụng sơ đồ graph trong giảng dạy học phần tâm lý học đại cương

Thứ năm - 31/05/2018 09:17
Phương pháp dạy học có vai trò quan trọng, là con đường, cách thức thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của quá trình dạy học. Có nhiều phương pháp dạy học khác nhau, trong đó phương pháp dạy học trực quan sử dụng phối hợp với phương pháp thuyết trình hoặc vấn đáp sẽ giúp người học hiểu sâu sắc và vận dụng tri thức một cách có hiệu quả. Kết quả dạy học sẽ cao hơn nữa nếu giảng viên cho phép sinh viên tiếp cận tài liệu, kiến thức dưới dạng sơ đồ, mô hình. Sơ đồ hóa kiến thức trong dạy học giúp cho người học có thể huy động sự tham gia của nhiều giác quan vào quá trình nhận thức, tạo điều kiện dễ hiểu, dễ nhớ và nhớ lâu, làm phát triển năng lực chú ý, năng lực quan sát, óc tò mò khoa học. Trong bài viết này chúng tôi đề xuất cách xây dựng và sử dụng sơ đồ Graph trong giảng dạy học phần Tâm lý học đại cương.
1. Sự cần thiết của việc sơ đồ hóa kiến thức (Graph) trong giảng dạy học phần Tâm lý học đại cương
       Việc sử sử dụng sơ đồ dạy học được thực hiện từ những năm 1970 của thế kỷ trước và được chủ yếu trong Toán học. Đến năm 1985, các nhà Giáo dục học đã nghiên cứu chuyển hóa trong Graph trong Toán học thành grap trong dạy học. Một số tác giả cho rằng Graph là phương pháp dạy học, một số tác giả khác lại cho rằng đây là công cụ học tập.Tuy nhiên với cách tiếp cận nào chăng nữa thì bản chất của sơ đồ Graph giúp phản ánh cấu trúc và logic bên trong của một khối lượng kiến thức một cách khái quát, súc tích và trực quan cụ thể, giúp cho người học nắm vững một cách trực tiếp, khái quát những nội dung cơ bản, đồng thời qua đó phát triển năng lực nhận thức cho người học.
Tâm lí học đại cương là một học phần bắt buộc đối với sinh viên (SV) trong các trường sư phạm. Học phần này trang bị cho SV những khái niệm cơ bản của các hiện tượng tâm lí cũng như những quy luật cơ bản của việc hình thành và phát triển đời sống tâm lí con người. Từ đó hình thành thế giới quan, nhân sinh quan khoa học, là cơ sở cho việc học tập các môn học khác, hình thành tính tích cực trong học tập cũng như hoàn thiện nhân cách. Tuy nhiên, môn học có nhiều khái niệm trừu tượng, khó hiểu, khó nhớ, dẫn đến SV đạt kết quả chưa cao trong những lần kiểm tra, thi cử. Để quá trình học tập đạt kết quả cao hơn, cần thiết sơ đồ hóa kiến thức trong dạy học. Nếu sử dụng sơ đồ hóa kiến thức trong dạy học một cách hợp lý, khoa học sẽ giúp người dạy và người học:
-  Tiếp cận với nội dung tri thức bằng con đường logic, cùng một lúc vừa phân tích đối tượng nhận thức thành các sự kiện, các yếu tố cấu thành, vừa tổng hợp, hệ thống hóa các sự kiện, các yếu tố đó thành một chỉnh thể thống nhất thuận lợi cho việc khái quát hóa, hình thành khái niệm khoa học - sản phẩm của tư duy lý thuyết.
-  Diễn đạt tối ưu mối quan hệ giữa các yếu tố cấu trúc, giữa cấu trúc với chức năng của đối tượng nghiên cứu.
- Phát triển các thao tác tư duy cơ bản (phân tích, tổng hợp, so sánh, trừu tượng hóa, khái quát hóa, hệ thống hóa...) và khả năng hình thành năng lực tự học cho SV.
- Rèn luyện phương pháp sử dụng ngôn ngữ sơ đồ để diễn đạt nội dung tài liệu đọc được, tạo hiệu quả cao nhất cho quá trình học tập.
2. Quy trình thiết kế sơ đồ Graph nội dung bài học
Trước hết, giảng viên (GV) cần nghiên cứu nội dung chương trình giảng dạy để lựa chọn những bài, những tổ hợp kiến thức có khả năng lập Graph nội dung. Mỗi đơn vị kiến thức sẽ có một loại Graph tương ứng. Sự lựa chọn đó là cần thiết vì không phải bài học nào cũng có thể lập được Graph. Tạo lập Graph nội dung theo các bước sau:
Bước 1: Xác định các đỉnh của Graph
- Lựa chọn những kiến thức cơ bản của nội dung bài học
- Mã hóa chúng sao cho thật súc tích, khoa học (có thể dùng các ký hiệu để quy ước).
- Đặt chúng vào các đỉnh của Graph
Bước 2: Thiết lập các cung
- Thiết lập các mối quan hệ giữa các đỉnh của Graph, nối chúng bằng các mũi tên để diễn tả mối liên hệ giữa nội dung các đỉnh với nhau.
- Các mối quan hệ đó phải đảm bảo tính logic khoa học, tuân theo những quy luật khách quan và tính hệ thống của nội dung kiến thức.
Bước 3: Bố trí các đỉnh và các cung lên một mặt phẳng
Khi đã xác định được các đỉnh (đơn vị kiến thức) và mối quan hệ giữa chúng, có thể xếp các đỉnh lên mặt phẳng theo một logic khoa học, sao cho:
          - Nội dung được mô hình hóa về cấu trúc logic.
          - Đảm bảo tính khoa học (phản ánh được logic phát triển bên trong của tài liệu).
          - Đảm bảo tính sư phạm (tính trực quan, không nên lập những Graph phức tạp, rắc rối làm cho SV khó hiểu).
3. Xây dựng và sử dụng sơ đồ Graph trong giảng dạy học phần Tâm lý học đại cương
3.1. Sử dụng sơ đồ Graph trong các loại bài học
3.1.1. Sử dụng sơ đồ Graph đối với bài lĩnh hội kiến thức mới
          Sử dụng sơ đồ để giới thiệu những kiến thức mới giúp SV ghi nhớ kiến thức một cách sâu sắc và có thể sẽ sử dụng kiến thức đó vào giải thích các hiện tượng trong thực tiễn. Mặt khác, SV phải biết gắn kết kiến thức vừa học với kiến thức đã học ở các bài trước.
          Ở nội dung này có thể sử dụng sơ đồ theo hai cách:
          Cách 1: GV giới thiệu sơ đồ đã xây dựng, sử dụng phương pháp giảng giải giúp SV hiểu và nắm bắt kiến thức. Phương pháp này có thể dùng khi dạy những bài đầu tiên để SV làm quen với phương pháp sơ đồ hóa hoặc khi dạy với đối tượng SV trung bình.
          Ví dụ: Trong chương 1: Tâm lý học là một khoa học, phần Khái niệm của Tâm lý học (xem phụ lục Graph 1), giáo viên giới thiệu sơ đồ để về khái niệm, vị trí, ý nghĩa của tâm lý học. Dựa trên sơ đồ, giảng giải khái niệm và chỉ ra vị trí, ý nghĩa cho sinh viên dễ nắm bắt kiến thức.
          Cách 2: GV yêu cầu SV trả lời theo gợi ý và cùng xây dụng sơ đồ. Cách này có thể được tiến hành theo các bước như sau:
- Bước 1: GV chia SV thành các nhóm, nêu mục đích của vấn đề cần  xây dựng Graph và các câu hỏi để SV tự nghiên cứu các phần kiến thức từ giáo trình.
Ví dụ: Trong chương 1: Bản chất hiện tượng tâm lý người, giáo viên đưa ra các câu hỏi: Có những quan điểm nào về tâm lý người? Hãy tóm tắt nội dung các quan điểm? Quan điểm duy vật biện chứng đã đưa ra những bản chất nào của tâm lý người?...
- Bước 2: Yêu cầu SV đọc giáo trình, hoàn thành các câu hỏi, xác định nội dung kiến thức để xây dựng Graph, xác định các đỉnh, cung, cạnh Graph và xác lập Graph. Ví dụ: Hướng dẫn sinh viên chọn lọc các cụm từ khóa nổi bật như: chức năng của não; mang tính chủ thể, bản chất xã hội lịch sử...
- Bước 3: Tiến hành tổ chức thảo luận và thống nhất trong nhóm về Graph nội dung đã xây dựng.
- Bước 4: Thảo luận và thống nhất giữa các nhóm về Graph nội dung được xây dựng. GV có thể khuyến khích các nhóm trình bày bằng những hình thức sáng tạo)
- Bước 5: GV kết luận và chốt lại nội dung Graph bài học.
3.1.2. Sử dụng sơ đồ Graph đối với bài củng cố kiến thức (ôn tập)
          - Thông thường sau khi học xong một phần, một bài hay một chương GV thường củng cố kiến thức cho SV để giúp SV hiểu và nắm chắc kiến thức đã học một cách hệ thống. Để sử dụng Graph cho việc củng cố kiến thức cần đảm bảo:
+ Đưa ra danh mục những kiến thức cơ bản nhất mà SV đã học trước đó.
+ Tóm tắt nội dung kiến thức theo danh mục đã được đưa ra.
+ Hệ thống hoá được toàn bộ nội dung kiến thức đã học. 
- GV cũng có thể đưa ra Graph để hệ thống lại toàn bộ nội dung của một chương, phần hoặc hệ thống hóa kiến thức liên chương. Giúp cho SV Hệ thống lại toàn bộ nội dung kiến thức đã học một cách khái quát nhất.
3.1.3. Sử dụng Graph với bài kiểm tra kết quả học tập
Để đánh giá được khả năng nắm bắt kiến thức của SV, GV có thể sử dụng Graph để kiểm tra bằng các sơ đồ câm, sơ đồ khuyết thiếu hoặc yêu cầu SV lập sơ đồ cho một nội dung kiến thức.
3.1.4. Sử dụng Graph đối với bài học hỗn hợp
          Sơ đồ Graph một cách linh hoạt khi thực hiện theo các khâu của quá trình dạy học. Cụ thể:
* Trước khi dạy bài mới
Để giúp SV chuẩn bị bài mới một cách khái quát, GV yêu cầu SV sơ đồ hóa nội dung bài mới thông qua việc nghiên cứu tài liệu ở nhà.
GV đưa ra nhiệm vụ và giúp SV nắm rõ nhiệm vụ, sau đó GV hướng dẫn SV cách sơ đồ hóa nội dung bài mới.
- Hướng dẫn  SV phương pháp nghiên cứu tài liệu: Đọc lướt tài liệu để tìm các mục nội dung; Đọc có trọng điểm (đọc từng phần); Đọc toàn bộ nhưng không nghiền ngẫm kỹ; Đọc nghiền ngẫm nội dung; Xử lý thông tin.
- Hướng dẫn SV lập Graph nội dung
Bước 1: Lựa chọn những kiến thức cơ bản của nội dung bài học.
Bước 2: Mã hóa chúng sao cho thật súc tích, khoa học (có thể dùng các ký hiệu để quy ước).
Bước 3: Sắp xếp chúng vào các đỉnh của Graph.
Bước 3: Xác định các mối quan hệ.
Bước 4: Thiết lập các mối quan hệ giữa các đỉnh của Graph, nối chúng bằng các mũi tên để diễn tả mối liên hệ giữa nội dung các đỉnh với nhau.
GV cần chú ý, các mối quan hệ đó phải đảm bảo tính logic, khoa học, tuân theo những quy luật khách quan và tính hệ thống của nội dung kiến thức. Yêu cầu SV thực hiện nhiệm vụ ở nhà và sẽ yêu cầu SV thuyết trình nội dung bài học qua sơ đồ Graph ở các tiết học sau.
* Tổ chức lĩnh hội tri thức mới
Trong quá trình giảng dạy, GV sử dụng sơ đồ Graph để giúp SV khai thác và lĩnh hội tri thức mới cụ thể:
- Yêu cầu SV quan sát sơ đồ và trả lời câu hỏi về nội dung bài học, nếu SV chưa trả lời được GV có thể gợi ý trên sơ đồ. Sau khi SV trả lời GV chốt lại kiến thức dựa trên sơ đồ nội dung.
- Cho SV quan sát sơ đồ và dùng sơ đồ để phân tích nội dung kiến thức bài học theo mối quan hệ của chúng giúp cho SV hiểu và nắm bắt kiến thức.
- Yêu cầu SV thảo luận nhóm, quan sát sơ đồ và thông qua sơ đồ để chứng minh một luận điểm. SV nhận nhiệm vụ và tiến hành thảo luận, đồng thời GV hướng dẫn từng nhóm quan sát sơ đồ và trả lời câu hỏi. Sau đó, GV yêu cầu các nhóm SV trình bày, nhận xét, bổ sung kết quả thảo luận và dùng sơ đồ để chính xác hóa lại kiến thức.
- GV yêu cầu SV thảo luận theo nhóm, nghiên cứu tài liệu giáo trình và cùng nhau xây dựng Graph cho một phần nội dung bài học.  SV nhận nhiệm vụ và tiến hành thảo luận. GV hướng dẫn và trợ giúp cho các nhóm thảo luận. Sau đó, GV yêu cầu đại các nhóm trình bày Graph nội dung đã xây dựng, có nhận xét bổ sung. Cuối cùng, GV và SV cùng chính xác hóa Graph nội dung bài học và GV chốt lại kiến thức dựa trên Graph đó.
* Củng cố kiến thức
- GV có thể đưa sẵn một vài sơ đồ như: Sơ đồ điền khuyết, sơ đồ câm... để yêu cầu SV bằng kiến thức đã học điền vào những chỗ trống giúp SV nhớ lại và khắc sâu kiến thức bài hoc.
- GV có thể yêu cầu SV dùng Graph để hệ thống lại kiến thức bài học giúp SV tự khái quát lại những kiến thức mình đã học.
- Sau khi học xong một đơn vị kiến thức, GV yêu cầu SV suy nghĩ hoặc thảo luận để xây dựng Graph hệ thống lại toàn bộ nội dung kiến thức đó. Sau  đó, GV sẽ cùng SV chính xác hóa Graph   nội dung đơn vị kiến thức đó.
Tóm lại, có thể xây dựng được nhiều Graph khác nhau trong các nội dung kiến thức ở học phần Tâm lý học đại cương. Tùy vào năng lực của GV và SV cũng như thời lượng học tập mà chúng ta có thể xây dựng và sử dụng ở các thời điểm khác nhau trong quá trình dạy học và kiểm tra- đánh giá kết quả học tập bộ môn. Đồng thời GV có thể khai thác thêm hiểu biết của SV bằng các thủ thuật khác nhau để phát triển năng lực trình bày, tư duy, phản biện cũng như liên hệ thực tiễn.
4. Kết luận
          Qua xây dựng và áp dụng Graph trong giảng dạy học phần Tâm lý học đại cương đã đem lại hiệu quả tích cực. Với bộ môn trừu tượng như Tâm lý học đại cương nhưng với việc sử dụng graph trong dạy học đã giúp SV nắm vững được kiến thức cơ bản, theo dõi được sự vận động logic của vấn đề nghiên cứu, đồng thời thiết lập được kỹ năng đọc tài liệu, thiết lập Graph và trình bày được kiến thức với sự hiểu biết của cá nhân. Đồng thời SV phát huy được tính tích cực, chủ động trong học tập, kết quả học được nâng cao. Tuy nhiên, việc áp dụng Graph trong dạy học học phần Tâm lý học đại cương không phải là rập khuôn, máy móc mà cần linh hoạt, mềm dẻo để phù hợp với năng lực của GV, trình độ của SV và đặc trưng của học phần này. Điều này cần có sự nghiên cứu nghiêm túc và bài bản về lý luận và thực tiễn để xác lập những luận cứ khoa học xác đáng cho việc xây dựng và sử dụng Graph trong giảng dạy học phần này một cách hiệu quả và khả thi, góp phần đổi mới phương pháp dạy học theo quan điểm lấy người học làm trung tâm.
 
 
 
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
 1. Nguyễn Cam, Chu Đức Khánh (1999). Lý thuyết đồ thị. NXB Thành Phố Hồ Chí Minh.
2. Trần Bá Hoành (2006). Đổi mới phương pháp dạy học, chương trình và sách giáo khoa. NXB Đại học sư phạm
3. Nguyễn Ngọc Bảo, Hà Thị Đức (1998). Hoạt động dạy học ở trường THCS.-Giáo trình dành cho các trường CĐSP đào tạo giáo viên THCS. NXB Giáo dục.
4. Phan Thị Hồng Vinh (2006). Phương pháp dạy học Giáo dục học. NXB ĐHSP.
5. Nguyễn Quang Uẩn  (2006). Tâm lý học đại cương. NXB Đại học sư phạm
  
PHỤ LỤC
Graph 1. Tâm lý học là một khoa học

Graph 2: Bản chất của hiện tượng tâm lý

Graph 3: Phân loại các hiện tượng tâm lý

Graph 4: Khái niệm hoạt động

Graph 5: Các loại giao tiếp

 Graph 6: Hoạt động nhận thức

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Thu Thảo

Nguồn tin: Khoa Các bộ môn chung

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Array
(
    [type] => 2
    [message] => file_put_contents(/13-11-2024_bb32573b8fe6284ee69b6d9bf7d5bc0c.log): failed to open stream: Permission denied
    [file] => /var/www/nvlce2016/vendor/vinades/nukeviet/Core/Error.php
    [line] => 593
)